Theo số liệu từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2020 của khu vực Á – Âu khoảng 1.400 tỷ USD, thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,5%. Đây là con số rất thấp. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á-Âu. Ảnh: VGP.
Tại Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu diễn ra ngày 10/12, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, Nga là thị trường chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga lại chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất nhập khẩu 2 nước.
Hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm chiếm 0,7% tổng kim ngạch thương mại của Nga và 0,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.
“Với con số trên, còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác giữa hai nước. Mặc dù FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu đã có hiệu lực từ tháng 10/2016 nhưng đến nay, doanh nghiệp 2 nước chưa tận dụng hết các ưu đãi thuế quan, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi hiệp định chỉ ở mức 30%”, ông Dương Hoàng Minh nhận định.
Với mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như cà phê, ông Dương Hoàng Minh cũng cho biết, cà phê của Việt Nam hầu như không xuất hiện trên các kệ hàng của Nga. Sản phẩm cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga chủ yếu là nguyên liệu thô, cà phê rang xay chỉ chiếm 1%.
Lý giải về thực tế hàng hoá Việt Nam “lép vế” trên thị trường khu vực Á-Âu, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), thách thức chủ yếu đối với hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu sang khu vực này đến từ yêu cầu về TBT (biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại), SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật), thiếu minh bạch do đó khó đáp ứng tiêu chuẩn của nước bạn.
Thêm vào đó là khó khăn về khoảng cách địa lý xa, không có cảng biển khiến chi phí logistics cao trong khi đó giá cả của hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh. Quy mô thị trường tương đối nhỏ, hệ thống phân phối có kết cấu chặt chẽ, khó gia nhập…
Quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối 5 nước trong Liên minh Kinh tế Á – Âu cũng là rào cản với hàng hoá Việt Nam.
Ngoài ra, các đối tác Liên minh Kinh tế Á – Âu sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ tiếng Nga dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về đối tác bạn hàng; cơ chế thanh toán không thuận tiện.
Để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khu vực Á – Âu, các diễn giả đều khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xác định các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu tại thị trường mục tiêu, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, cần nắm bắt đầy đủ lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn, tận dụng cơ hội và sẵn sàng cạnh tranh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin về FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á- Âu mang lại, để tận dụng những ưu đãi, từ đó xuất khẩu sang các thị trường này.
Lắng nghe ý kiến của các diễn giả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, hiện nay, trong số 27 nước đối tác của Việt Nam tại khu vực Á – Âu, 11 nước đã tham vào Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước đang trong quá trình gia nhập EU; 5 nước (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã thiết lập Liên minh Kinh tế Á – Âu. Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU và Liên minh Kinh tế Á – Âu.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và các nước khu vực Á – Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương, bao gồm: 14 Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương.
“Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh Kinh tế Á – Âu đến thời điểm này. Điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những tiền đề thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại với các nước trong khu vực này, tận dụng những lợi thế về bổ trợ kinh tế, cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Thêm vào đó là mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Á – Âu trong thời gian dài đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Đây là tài sản vô giá, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Á – Âu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá.
Với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các cơ chế Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ…, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các rào cản, thiết lập các khung khổ khổ pháp lý thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tọa đàm, đối thoại, trao đổi thông tin với các thị trường, với các địa phương, doanh nghiệp.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á-Âu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 20,78% so với năm 2018, chiếm 2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,43%, đạt 7,2 tỷ USD.
Trong bối cảnh những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19, song kim ngạch thương mại với khu vực Á – Âu trong 10 tháng năm 2020 cho thấy đây vẫn là khu vực có tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 10,34 tỷ USD, tăng 17,98%.
Trong đó, xuất khẩu đạt 7,18 tỷ USD, tăng 16,15%, nhập khẩu đạt 3,16 tỷ USD, tăng 22,35% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Phan Trang