Theo chuyên gia, nếu không có nước đi đúng đắn, lợi nhuận của doanh nghiệp, thu nhập của tài xế sẽ sụt giảm và có thể khách hàng không chấp nhận giá cước mới, quay lưng.
Grab tăng giá cước và câu hỏi về mối quan hệ ‘hợp tác’.
Trong ngày Nghị định 126 có hiệu lực thi hành (ngày 5/12), Grab đã lập tức điều chỉnh tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc và tăng khấu trừ với tài xế.
Với biểu giá cước mới, nếu người dùng đặt GrabBike từ sân bóng Mậu Lương (quận Hà Đông) đi Đại học Kinh tế Quốc dân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá cước quãng đường 11 km phải trả sẽ là 48.000 đồng (chưa tính các phụ phí khác), thay vì 42.600 đồng như trước đây, tương đương tăng 12,7%.
Ở cuốc xe này, tài xế (thu nhập dưới 100 triệu/năm) sẽ chỉ nhận về được gần 35.000 đồng bởi tỷ lệ khấu trừ với tài xế GrabBike đã tăng từ 20% lên 27,273%.
Trường hợp khách hàng di chuyển theo lộ trình trên bằng GrabCar 4 chỗ, giá tăng từ 101.500 đồng lên 112.500 (chưa tính các phụ phí khác), mức tăng xấp xỉ 11%.
Tài xế tham gia trước ngày 1/10/2018 sẽ nhận về khoảng 73.000 đồng, trong khi tài xế tham gia sau thời điểm trên chỉ nhận được 68.600 đồng.
Như vậy, với chính sách mới của Grab, cả khách hàng và những tài xế vốn được Grab gán danh đối tác đều chịu thiệt.
Chọn sai chiến lược, hãng có thể mất thị phần
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng, mà thuế là yếu tố cấu thành nên giá.
Tuy nhiên, trên thị trường gọi xe có tính cạnh tranh: giữa các hãng xe công nghệ với nhau; giữa hãng xe công nghệ và doanh nghiệp vận tải truyền thống; sự phân chia lợi nhuận giữa hãng xe công nghệ và tài xế cùng nhiều yếu tố khác tác động. Việc tăng giá cước hay không, hoặc tăng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược giá của từng hãng.
“Mỗi hãng có một chiến lược giá riêng, ở đây là lựa chọn tăng hoặc không tăng giá cước, nếu tăng thì tăng ở mức độ nào hay tăng theo tỷ lệ thuận với mức tăng thuế VAT. Chiến lược giá phù hợp sẽ giúp hãng xe công nghệ, tài xế đảm bảo lợi nhuận, khách hàng chấp nhận và giữ được thị phần cạnh tranh với taxi truyền thống”, ông Long nói.
Vị chuyên gia về giá cho rằng nếu không có nước đi đúng đắn, lợi nhuận của doanh nghiệp, thu nhập của tài xế chắc chắn sụt giảm và có thể khách hàng không chấp nhận giá cước mới, sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác, từ đó đánh mất thị phần.
Ở trường hợp của Grab, nhiều người tiêu dùng phàn nàn mức tăng cước phí dịch vụ cao. Hơn nữa, nếu di chuyển quãng đường càng xa đồng nghĩa với việc mức tăng càng lớn.
Anh Anh Tú (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) thường xuyên di chuyển và gọi đồ ăn trưa thông qua các ứng dụng của Grab. Anh đặt câu hỏi tại sao Grab tăng giá cước khi giá xăng đang ở mức thấp.
“Nếu chi phí cho việc đi lại vượt quá dự toán hàng tháng của tôi, tôi sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác. Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều sự lựa chọn”, anh Tú nói.
Chính sách dựa trên mối quan hệ không bình đẳng?
Bà Tạ Thị Phương Lan – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) – khẳng định Nghị định 126 hướng đến sự bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và công nghệ.
Bởi từ trước ngày 5/12, các hãng taxi truyền thống đã kê khai 10% thuế VAT trên toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng, trong khi Grab đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế VAT cá nhân và “né” được rất nhiều thuế.
Còn khi đã xác định là đơn vị kinh doanh vận tải thì buộc hãng phải xây dựng một khung giá và khách hàng là người lựa chọn khung giá đó. Giá cả hoàn toàn do thị trường quyết định, cơ quan thuế không có chức năng quản lý vấn đề này. Các hãng cạnh tranh nhau, từ đó khiến cho hãng phải tự điều chỉnh mức giá phù hợp.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho rằng sau nghị định mới, hãng và tài xế có thể sẽ phải ngồi lại với nhau để điều chỉnh hợp đồng.
Theo quy định mới với đúng bản chất, nếu Grab giữ nguyên mức chia phần trăm với đối tác tài xế và thực hiện nghĩa vụ thuế thì tài xế sẽ giảm được 3% thuế VAT cá nhân.
Thế nhưng, trên thực tế, với biểu giá tăng lên, đồng thời thay đổi tỷ lệ chiết khấu của Grab, thu nhập tài xế lại giảm đáng kể trong khi người dùng phải chi trả nhiều hơn.
Ông Trần Bằng Việt – nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi – nhìn nhận khi Nghị định 126 có hiệu lực thực thi, hãng xe công nghệ sẽ có hai sự lựa chọn. Một là tăng giá để bù khoản 7% thuế tăng thêm, hoặc không tăng giá để giữ được nhiều khách hàng hơn.
Với lựa chọn thứ hai, hai bên bị ảnh hưởng sẽ là công ty vận hành app (Grab/Go-Jek…) và chủ xe. Tác động như thế nào và bao nhiêu tùy thuộc vào điều khoản cụ thể trong hợp đồng giữa chủ xe và hãng.
“Nếu chủ xe thấy không có lợi, họ có quyền lấy xe ra và chuyển sang hãng khác, hay thậm chí hợp tác chạy taxi. Các hãng công nghệ muốn giữ thì phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này hơi khó xảy ra do mối quan hệ giữa chủ xe, lái xe và người tiêu dùng với Grab là không bình đẳng”, cựu CEO Mai Linh Taxi chia sẻ.
Hiện nay, mối quan hệ giữa các tài xế và hãng xe không phải là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, mà là giữa các đối tác, theo cách định danh của hãng xe công nghệ. Tuy nhiên, đó là mối quan hệ bất đối xứng mà bên yếu thế là các tài xế.
Theo chuyên gia Nguyễn Khắc Giang của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), trong các mối quan hệ, khi mặc cả về giá thì vị thế rất quan trọng.
“Trong trường hợp giữa Grab và các tài xế, theo ông Giang, “tiếng nói, sức mạnh trong quyền đàm phán của những người chạy Grab không đủ lớn, do đó họ khó có thể có vị thế được mức chiết khấu hợp lý, công bằng với Grab”.
Theo Văn Hưng/vietnamfinance.vn/Zing