Ca khúc “Chị ong nâu và em bé” phiên bản thất tình hiện đang làm mưa làm gió khắp mạng xã hội và được nhiều bạn trẻ cover lại. Tuy nhiên việc làm này liệu có vi phạm bản quyền?
Trong ngày 3/7, dân tình không khỏi xôn xao trước một bản cover ca khúc thiếu nhi “quốc dân” Chị Ong Nâu Và Em Bé (gọi tắt là Chị Ong Nâu) phiên bản thất tình. Vẫn với những ca từ quen thuộc: “Chị ong nâu nâu nâu nâu. Chị bay đi đâu đi đâu. Chú gà trống mới gáy, ông mặt trời mới dậy. Mà trên những cành hoa em đã thấy chị bay”, thế nhưng giai điệu bản cover đã hoàn toàn khiến người nghe “mất gốc”.
Theo tìm hiểu của một số người, phần beat của bản cover này khá giống với melody điệp khúc bài “Fleet of time” (Tháng năm vội vã). Vốn dĩ, bản nhạc phim này cũng là một trong những ca khúc trong tim của không ít người.
Thế nên, khi giai điệu ấy lần nữa vang lên ở một phiên bản khác, ai nấy đều không khỏi thích thú. Hơn nữa, sự kết hợp với lời của một ca khúc thiếu nhi càng làm bản cover thêm phần mới mẻ.
Giới trẻ đua nhau cover ‘Chị ong nâu’ phiên bản thất tình: Liệu có vi phạm bản quyền?
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng bản gốc là ca khúc nhạc phim “Sự Quyến Rũ Của Người Vợ” (2008) – tên là “Can’t forgive” do ca sĩ Soo Kyung thể hiện. Tuy có phần trái chiều về đoạn beat, thế nhưng bản cover đã được khoác lên “tấm áo” quá mới mẻ, khiến bản gốc “Chị ong nâu và em bé” bị quên béng mất.
Không ít TikToker đã nhân cơ hội này nhanh tay cầm mic và cover lại, tạo nên những phiên bản mới mẻ hơn nữa, hút được kha khá lượt yêu thích.
Nhìn nhận từ góc độ sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng tỏ ra thích thú với ban cover này.
Mặc dù vậy, anh cũng rất lo lắng với việc các bạn trẻ sử dụng các tác phẩm chế nhưng chưa xin phép tác giả có thể khiến họ vi phạm bản quyền và vi phạm pháp luật.
Vị nhạc sĩ phân tích, khi các bạn trẻ “chế” vui thì được, nhưng nếu các nghệ sĩ làm như vậy nhằm mục đích gây hot kênh Tiktok/Youtube để kinh doanh thì không ổn.
Nếu như vậy, một là phải xin phép tác giả vì đó gọi là “biến thể phái sinh tác phẩm”. Mà việc biến thể phái sinh này có thể có tác giả thích cũng có tác giả không thích bài hát của mình bị biến thể như vậy, đó là tuỳ theo quan điểm nghệ thuật của từng người.
Hai là phải xin/đóng tác quyền cho tác giả để thể hiện sự tôn trọng đến tác giả và sự nghiêm túc thực thi quyền tác giả.
“Đừng lấy lý do “chỉ vui thôi” mà bỏ qua những điều đó. Càng làm hoạt động và kinh doanh nghệ thuật thì càng phải tôn trọng nhau”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhắc nhở.
Bên cạnh ý kiến thích thú cũng có ý kiến cho rằng, tuổi thơ đã bị đánh mất sau khi nghe bản cover này.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Hà