Thứ Tư, 09/10/2024, 19:08

Giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim

Xem thêm

“Trong tất cả trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta”. – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 được Chính phủ tổ chức sáng 11/12.

Giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng cho rằng, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước.

21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Trong dịch Covid-19, chúng ta cũng có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các góc độ khác nhau.

Đến nay 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí.

Lấy ví dụ về một số xã miền núi, trước đây từ trung tâm huyện xuống xã mất 5 – 9 tiếng đồng hồ đi bộ, thì nay, với sự phát triển của hệ thống giao thông chỉ còn khoảng 30 – 45 phút đi xe máy hoặc ô tô.

Hay nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương cũng nhờ việc cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; theo Thủ tướng, sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo ra việc làm cho người dân địa phương, là giải pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới mọi thành phần, lực lượng, tầng lớp nhân dân đang ngày đêm làm việc để người dân có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để các em bé nghèo có thể đến trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Thủ tướng cũng biểu dương một số tấm gương điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng; các cá nhân, tập thể với những đóng góp lớn trong công cuộc giảm nghèo của đất nước.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả của bão lũ, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã trở thành sức mạnh lan tỏa rộng khắp cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, nghèo đói là vấn đề kinh tế – xã hội lớn không chỉ ở nước ta mà còn là vấn đề toàn cầu.

Tổ chức Oxfam ước tính Covid-19 khiến nửa tỷ người (trên 8% dân số thế giới lâm vào cảnh nghèo đói). Đây thực sự là thử thách lớn. Trong khi đó, kết qủa giảm nghèo của chúng ta chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, nhiều nơi tỷ lệ nghèo còn trên 50%…

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim.

Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các Bộ – ngành liên quan sớm nghiên cứu, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 Việt Nam không có đói nghèo.

Thủ tướng cũng cho rằng, đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề… là những bài toán quan trọng để góp phần mục tiêu quan trọng xóa đói giảm nghèo.

Trước mắt, hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lượng thực phẩm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu để không có người dân nào bị đói, không có chỗ ở. Đồng thời, khẩn trương sửa chữa lại các trường lớp học để 100% học sinh được đến trường.

Trong các chính sách hỗ trợ, các địa phương cần tạo điều kiện để người dân được chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo.

“Tết này dân nghèo vui Tết ra sao, chỗ ăn chỗ ở thế nào, các đồng chí ở các địa phương phải đi kiểm tra, phải lo cho dân” – Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới theo tinh thần mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với thực tiễn địa phương mình, và cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người, bắt đầu từ trẻ em.

Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Trích dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”, Thủ tướng khẳng định, chừng nào còn có người dân bị đói, bị rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này.

Theo Trung tâm Báo chí TP HCM – Vân Anh

Link gốc

 

 

 

 

Bài viết mới