Thứ Sáu, 17/05/2024, 1:23

Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến

Xem thêm

Nghề nuôi chim yến một số nơi mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc phát triển tự phát, chưa có quy hoạch vùng nuôi khiến nghề này chưa thực sự ổn định.

Việt Nam hiện có khoảng 2.500 nhà nuôi yến. Ảnh: VGP/Nguyễn Dũng.

Tiềm năng lớn

Theo thông tin mới đây từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở các nước Đông Nam Á, trong đó, Indonesia sản lượng tổ yến chiếm 60% (150.000 nhà yến); 4 nước Việt Nam, Philippines, Campuchia, Myanmar chiếm 13%.

Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2019, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam khoảng 150 tấn (trên 400 triệu USD). Thị trường nhập khẩu chính là Hong Kong, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở Mỹ, Australia, New Zealand.

Tại Việt Nam hiện nay có 42/63 tỉnh, thành phố có nuôi chim yến, năm 2019 có khoảng 11.750 nhà yến, tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang (2.500 nhà yến tính đến năm 2020).

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nghề nuôi chim yến đã mang lại nguồn thu lớn cho xã hội, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội trong thời gian qua.

Đó là sự phát triển nhà yến một cách tự phát, chưa có quy hoạch vùng nuôi, chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến nên hiệu quả kinh tế trong đầu tư nuôi yến chưa cao và chưa ổn định.

Kết quả thống kê ban đầu cho thấy, hiệu quả đầu tư nhà yến tại Việt Nam khá thấp, không quá 10% nhà yến đầu tư có hiệu quả cao, chỉ 20% có hiệu quả.

Nhiều khu vực phù hợp với nghề nuôi yến (Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên) thì số lượng nhà nuôi yến lại tăng quá nhanh, dẫn đến nguồn thức ăn của chim yến bị khan hiếm, hiệu quả sinh sản giảm, quần đàn tăng chậm.

Sản phẩm tổ yến có giá trị rất cao nhưng chưa quản lý được chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng tổ yến có sự khác nhau giữa các vùng.

Người dân tại các địa phương vẫn không ngừng xây dựng nhà nuôi yến với các kiểu nhà khác nhau, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng khá lúng túng trong việc quy hoạch, quản lý vì chưa có cơ sở khoa học về nhà yến.

“Vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành yến là cần có bức tranh tổng thể của ngành, nghiên cứu một số đặc điểm chính của chim yến, quản lý được chủ nhà yến, nhà yến theo mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tổ yến phục vụ cho xuất khẩu, chế biến sâu tổ yến để tăng giá trị sản phẩm”, ông Trọng nói.

Xây dựng mã định danh từng nhà nuôi yến

Nhìn thấy cơ hội phát triển và dấu hiệu tự phát trong sản xuất khiến hiệu quả kinh tế chưa cao, Bộ NN&PTNT vừa có Công văn số 9301/BNN-CN do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất đề tài độc lập cấp quốc gia: Nghiên cứu thực trạng và xây dựng giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu.

Đề tài nhằm đánh giá hiện trạng nghề nuôi yến nhà và hiệu quả đầu tư khai thác tổ yến ở Việt Nam; xác định được một số đặc điểm sinh học và khả năng sản xuất của chim yến nhà tại Việt Nam. Chất lượng tổ yến của Việt Nam; đưa ra các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đối với nhà nuôi yến, môi trường thuận lợi cho yến sinh sống, dinh dưỡng thức ăn cho yến.

Đặc biệt, tập trung xây dựng được mã định danh cho chủ nhà yến, nhà yến, quản lý nhà yến bằng công nghệ thông tin, liên kết theo chuỗi sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Ông Trọng hy vọng kết quả đề tài sẽ cung cấp những dẫn liệu khoa học rất quan trọng về chim yến, tổ yến, nghề nuôi yến và đặc biệt là xây dựng được các giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững nguồn lợi yến sào tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu tăng giá trị sản phẩm.

Các nhà quản lý tài nguyên yến sào sẽ có cơ sở khoa học đầy đủ hơn trong việc hoạch định các chính sách về quy hoạch và quản lý nghề nuôi chim yến; các tổ  chức, cá nhân sẽ có thêm những dữ liệu khoa học cần thiết để đầu tư xây dựng nhà nuôi yến cũng như khai thác và tiêu thụ tổ yến đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Đỗ Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới