Thứ Sáu, 29/03/2024, 12:17

EU công bố danh sách kiểm soát ATTP: Thách thức lớn cho nông sản Việt Nam

Xem thêm

Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định bị Liên minh châu Âu (EU) thu hồi hoặc cảnh báo. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín nông sản xuất khẩu của nước ta tại các thị trường lớn.

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu ngành nông sản lập kỷ lục mới đạt 41,2 tỷ USD, đạt 48,6 tỷ USD trong năm 2021 và 49,04 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022.

Trong đó, Liên minh Châu Âu (EU) là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết đã mở cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao này. 

Tuy nhiên, thị trường lớn càng ẩn chứa nhiều thách thức. Trong khi đó, EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật.

Các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU có xu hướng ngày càng khắt khe hơn…quy trình kiểm tra rất kỹ về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Do đó, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Tuy nhiên, nhiều năm qua chất lượng sản phẩm luôn là rào cản khó khăn nhất đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. 

Trong đó, gạo, mỳ ăn liền, rau quả… của Việt Nam là những sản phẩm liên tục bị kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu vào các nước đặc biệt là thị trường EU. 

ac6d8f38ab2364507e66ae277

Mặt hàng nông sản của Việt Nam liên tục bị kiểm tra, cảnh báo khi xuất sang thị trường EU.

Trong năm 2021, Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ – kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) nhận công văn của Bộ Công Thương về việc nông sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định của EU.

Cụ thể, lô hàng gạo thơm cao cấp ST25 nhãn hiệu Nữ hoàng xuất khẩu vào Bỉ, doanh nghiệp nhập khẩu là Vinamex Group đã tự kiểm tra chất lượng lô gạo.

Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole là 0,017 mg/kg, theo quy định của EU thì mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01mg/kg. 

Cơ quan y tế Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong lô hàng mướp đắng của Công ty TNHH SAKA SAKA xuất khẩu sang thị trường EU. Đồng thời, Tây Ban Nha phát hiện chất cấm profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl) cũng của Công ty TNHH SAKA SAKA.

Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong năm 2022, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp nhận cảnh báo của EU về một số sản phẩm mỳ ăn liền xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.

Trong đó, Đức gửi cảnh báo mỳ ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu vì có chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.

Còn Malta gửi cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia do xác định nguyên liệu sản xuất loại bánh phở này từ gạo biến đổi gen…

Mới đây, Ủy ban Châu  Âu (EU)  vừa công bố danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, ngày 27/1, EU đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Theo thông báo mới, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như: Rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. 

thanh-long-7228-1544589820

 Thanh long Việt Nam trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU.

Tuy nhiên, ớt vẫn còn nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Sản phẩm đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.

Thanh long và mì tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Bộ Công Thương cho biết, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.

Như vậy, nếu các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu không chú trọng các quy định của các quốc gia nhập khẩu, dễ nhận cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn an toàn chất lượng, và yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường, thậm chí bị trả lại hàng hóa.

Đối với thực trạng trên sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín nông sản xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí doanh nghiệp Việt tự đánh mất đi thị trường lớn này. 

Trong khi đó, phần lớn sản phẩm rau quả Việt Nam xuất sang các nước đều ở dạng thô nên sẽ gặp khó khăn theo hướng domino – một chuỗi phản ứng liên hoàn, nếu một vài sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt sản phẩm khác.

Để tránh tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị kiểm tra, thu hồi và tạo điều kiện cho hàng nông sản của Việt Nam đi sâu vào thị trường EU và các quốc gia khác đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang các thị trường khó tính này. 

Do đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm,… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục từng thị trường.

Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Thanh Thảo

 

 

 

Bài viết mới