Gần đây, thông tin một số doanh nghiệp lữ hành chào bán tour “tiêm vaccine, nghỉ dưỡng, thăm thân, mua sắm…” ở nước ngoài cho du khách với giá lên tới hàng trăm triệu đồng… đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Chưa bàn đến năng lực của đơn vị tổ chức; mức độ tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh ra sao; đã được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền hay chưa…? chỉ riêng việc truyền thông rầm rộ cho hoạt động được xem là “nhạy cảm” tại thời điểm “rất nhạy cảm” vô hình trung doanh nghiệp đã tự đẩy mình vào thế khó.
Để tìm hiểu rõ hơn nội dung liên quan tới vấn đề này, Tạp chí Du lịch đã phỏng vấn ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – VHTTDL).
* Ông có nhận xét gì về thông tin một số doanh nghiệp lữ hành chào bán tour ra nước ngoài kết hợp “tiêm vaccine”?
Trong hoạt động lữ hành, việc các doanh nghiệp đưa ra những loại hình du lịch mới để đa dạng hóa sản phẩm và truyền thông quảng cáo sản phẩm tới khách hàng là điều bình thường; doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung quảng cáo của họ.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành – TCDL.
Theo ghi nhận và nắm bắt của chúng tôi, có khá nhiều thông tin quảng cáo của các doanh nghiệp lữ hành về tour chăm sóc sức khỏe, trong đó có “tiêm vaccine” phòng dịch COVID-19 tại một số nước châu Âu, châu Á, Mỹ…Hiện việc tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 đang được rất nhiều người quan tâm, vì thế khi doanh nghiệp quảng cáo đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Điểm chung của các tour này là giá rất cao, nhưng rất ít tour trọn gói; vẫn chủ yếu là bán phòng khách sạn và vé máy bay cho khách đi tự do (Free & Easy), có tour chỉ vé chiều đi, không bao gồm vé chiều về; việc “tiêm vaccine” cũng rất chung chung, mập mờ và không có gì đảm bảo chắc chắn nhu cầu của khách sẽ được đáp ứng.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay tổ chức tour xuất ngoại là không khả thi.
* Ông có thể phân tích rõ hơn?
Thứ nhất, việc xét duyệt nhập cảnh ngày càng chặt chẽ, nhất là trong tình hình dịch đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, những yêu cầu về nhập cảnh càng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn để đảm bảo phòng chống dịch. Thứ hai, công ty tổ chức tour có cam kết với khách hàng đảm bảo đưa khách về nước khi tour kết thúc theo đúng lịch trình hay không? Cần phải tính đếntất cả các tình hung, trong đó có tình huống hàng không không thể bay đưc vì lý dobất khả kháng, khi đó trách nhiệm của doanh nghiệp với khách như thế nào? Thứ ba, tình hình dịch đang rất khó lường ở nhiều nơi, không loại trừ khả năng bị phong tỏa hoặc giãn cách cục bộ, khách không thể đi dù đã mua tour; do đó nếu không có những điều khoản rõ ràng, thì sẽ phát sinh những tình huống cực kỳ phức tạp giữa doanh nghiệp và khách hàng; và cuối cùng là doanh nghiệp đã tính đến những rủi ro có thể xảy đến với khách trong khi họ ở nước ngoài hay chưa?
Hiện các doanh nghiệp bán vé máy bay hay phòng khách sạn là hoạt động bình thường, du khách vẫn có thể đi với yêu cầu phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, quy định cách ly của nơi đến cũng như khi trở về. Nhưng việc doanh nghiệp tổ chức tour lại là vấn đề hoàn toàn khác, bởi tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay sẽ phải tuân thủ đồng thời nhiều quy định nghiêm ngặt khác nhau.
Quảng cáo tour đi Mỹ của một doanh nghiệp lữ hành.
* Vụ Lữ hành sẽ tham mưu cho Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) như thế nào về định hướng đối với các doanh nghiệp?
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, yêu cầu đầu tiên là phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải công khai minh bạch về giá cả, về tất cả những nội dung liên quan đến chương trình du lịch, các điều khoản phải rõ ràng, trách nhiệm ra sao… cần được thể hiện bằng văn bản, hợp đồng cụ thể. Nếu không làm rõ sẽ nảy sinh những xung đột giữa khách hàng và doanh nghiệp, quyền lợi của khách bị ảnh hưởng.
Đơn cử thế này, hiện nhiều công dân đã có thẻ xanh vào Mỹ, trường hợp khách không có nhu cầu về thì không vấn đề gì, vì thời hạn lưu trú của thẻ xanh (loại tạm thời) rất dài, họ có thể về khi cần thiết; đối với trường hợp khách quay về, thì doanh nghiệp phải đảm bảo căn cứ pháp lý để đưa khách về đúng hạn; phải tính tới khả năng thời điểm kết thúc lịch trình nhưng tình hình dịch diễn biến theo chiều hướng xấu khiến du khách không thể rời khỏi nơi lưu trú, hoặc không thể nhập cảnh thì trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ như thế nào?
Một điểm nữa là doanh nghiệp quảng cáo bán tour phải nói rõ thông tin và căn cứ pháp lý để khách lựa chọn, quyết định. Doanh nghiệp không được mập mờ thông tin (cho dù vô tình hay cố ý). Quảng cáo không đúng sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp cũng phải tính đến tình huống du khách “kẹt” lại ở nước ngoài, trong điều kiện bình thường cũng đã khó với doanh nghiệp, nếu dịch bệnh tác động thì mức độ khó khăn sẽ như thế nào?
Tất cả phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, tuân thủ pháp luật, đảm bảo cơ sở pháp lý, quyền lợi của khách trong bất kỳ trường hợp nào.
* Ông có khuyến cáo gì đối với du khách?
Để tránh những tranh chấp, khiếu kiện do thông tin không minh bạch, rõ ràng hoặc rủi ro, du khách có nhu cầu đi tour “tiêm vaccine” cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ các điều khoản doanh nghiệp đưa ra trong chương trình du lịch. Lưu ý về các điều kiện xuất, nhập cảnh, nhất là chiều từ nước ngoài về Việt Nam.
Chúng tôi lưu ý, hiện nay việc xét duyệt nhập cảnh ngày càng chặt để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, do dịch đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi.
Du khách cũng hết sức cân nhắc việc đi ra nước ngoài “tiêm vaccine” thời điểm này vì rủi ro rất cao. Rất có thể sẽ phải kéo dài thời gian ở lại do dịch bệnh, kéo theo rất nhiều phiền toái và các chi phí phát sinh khác. Nhiều tình huống được đặt ra như sang nước ngoài nhưng không được “tiêm vaccine”; trường hợp được tiêm cũng không có gì đảm bảo sức khỏe sẽ vẫn tốt, do vaccine được sản xuất gấp để kịp tiến độ chống dịch, hiệu quả miễn dịch chưa được như mong muốn, nên người tiêm chủng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm Covid-19 và lây sang người khác. Mặt khác, khi du khách trở lại Việt Nam vẫn phải thực hiện cách ly theo quy định hiện hành. Theo các chuyên gia y tế, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi tỷ lệ tiêm phòng dịch trong cộng đồng đạt 75% trở lên. Do đó, du khách cần phải thận trọng và cân nhắc trước khi đặt tour.
Thời điểm hiện tại, các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam vẫn còn xảy ra, nhưng nhìn về tổng thể, dựa trên các số liệu tổng hợp về người nhiễm COVID-19, số ca tử vong… thì có thể khẳng định Việt Nam an toàn hơn rất nhiều nước, và công tác kiểm soát dịch đang được làm rất tốt.
Thêm nữa, Chính phủ đang hết sức nỗ lực trong việc triển khai nhập vaccine, bên cạnh các nguồn lực xã hội hóa việc mua vaccine cùng với đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine do Việt Nam sản xuất để triển khai tiêm chủng diện rộng, nên du khách phải hết sức cân nhắc về việc đi “tiêm vaccine” hay đợi tiêm vaccine tại Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Du lịch – Đức Xuyên – Việt Hùng