Chiều ngày 20/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi trao đổi với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp với tinh thần khẩn trương nhằm chủ động bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện.
Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp – Ảnh: VGP/Toàn Thắng.
Tại hội nghị này, EVN dự kiến đề xuất với Bộ Công Thương phương pháp xác định giá điện đối với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo đó, giá điện của các dự án chuyển tiếp này sẽ bao gồm 2 thành phần: Giá cố định và giá vận hành, bảo dương (tương tự như các nhà máy thủy điện). Giá cố định xác định theo phương pháp dòng tiền với các thông số đầu vào.
Các thông số này bao gồm: Tổng mức đầu tư là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với thiết kế cơ sở; các thông số tài chính xác định theo thực tế vay, đã giải ngân tại thời điểm hiện tại và có so sánh với cơ cấu vốn vay trong thiết kế cơ sở. Các thông số kỹ thuật áp dụng theo thiết kế kỹ thuật gần nhất của dự án.
Ngoài ra, sản lượng tính toán là sản lượng lớn nhất trong hồ sơ thiết kế cơ sở và hồ sơ thiết kế kỹ thuật (nếu có)…
Đối với các nhà máy điện đã vận hành thương mại một phần, kiến nghị đàm phán và tính toán giá điện với các thông số đầu vào tính toán của cả nhà máy điện để áp dụng giá điện đối với phần nhà máy điện chưa có giá điện.
Trao đổi tại hội nghị chiều nay, đại diện Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) cũng đã làm rõ với các chủ đầu tư nhiều nội dung yêu cầu theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực về việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện.
Đại diện chủ đầu tư nêu kiến nghị gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp – Ảnh: VGP/Toàn Thắng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một số chủ đầu tư mong muốn được sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề về cơ chế chính sách, các hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền để thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với các dự án được sớm triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng đại diện Cục Điều tiết điện lực đã giải thích, trả lời các câu hỏi cũng như một số đề xuất của các nhà đầu tư; đồng thời cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án cũng như EVN tiếp tục triển khai theo đúng các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành trong quá trình đàm phán.
Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến từ các chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan ghi nhận ý kiến của các chủ đầu tư tại hội nghị, đồng thời mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết liên quan đến Luật Điện lực, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.
Riêng về vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất.
Theo thông tin cập nhật, sau khi EPTC có văn bản gửi chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị gửi hồ sơ thì đến ngày 20/3/2023 mới chỉ có duy nhất 1 chủ đầu tư gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, hiện nay, khung giá điện đã có, phương pháp xác định giá điện cũng đã được đặt ra và chỉ chờ Bộ Công Thương thông qua. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho bên mua bán điện.
Phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Toàn Thắng