Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh đã chi hơn 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ nhà đấu giá Pháp Million.
Khi nhà đấu giá Pháp Million bắt đầu đưa ra thông tin về việc đấu giá cổ vật này, ông Nguyễn Thế Hồng là người chủ động tìm hiểu và bỏ ra toàn bộ các chi phí để để đàm phán thương lượng, mua trực tiếp và hồi hương ấn vàng.
Hợp đồng mua ấn được ký với nhà đấu giá Million ngày 13/1 tại Pháp. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục để đưa cổ vật hồi hương dự kiến vào tháng 4 tới đây, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.
Quá trình đàm phán, mua ấn vàng của ông Nguyễn Thế Hồng có sự đồng hành, bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước đó, nhà đấu giá Millon chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng).
Hồi tháng 11/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án hồi hương ấn vàng và tổ chức đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương dẫn đầu, đàm phán, thương thảo trực tiếp với nhà đấu giá Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.
Ông Nguyễn Thế Hồng (bên phải) đã ký kết thành công hợp đồng mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” với nhà đấu giá Millon.
Được biết, ông Nguyễn Thế Hồng là một doanh nhân nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh. Ông có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm.
Ông đã thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình.
Trong đó nổi bật là chiếc Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn niên đại cách ngày nay 2.200 – 2.300 năm (thế kỷ III – II trước Công nguyên), đã được công nhận là bảo vật quốc gia hồi tháng 1/2023.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 – 1841), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78kg, cao 10,4cm, mặt hình vuông, kích thước 13,8×13,7 cm. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế). Theo ghi chép, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài… Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại Việt nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn – kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách “Quốc trưởng” của một Chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay. |
Theo vietnamfinance.vn – Hải Đăng