Thức đến nửa đêm vì ly cà phê chiều, Minh Anh nằm gác tay lên trán suy nghĩ mông lung rồi chợt nhận ra trong suốt năm năm qua, hai vợ chồng chị chỉ có làm việc và trả nợ. Với khoản nợ hiện nay, mười năm tới họ vẫn còn trả nợ mua nhà.
Vậy là tuổi thanh xuân của cả hai vợ chồng là những khoản nợ, nhưng đổi lại, họ đã hiện thực hóa giấc mơ an cư.
Dù ngoài kia có kẻ khen người chê, nhưng được ở trong cái “tổ ấm xinh xắn” của chính mình với con trẻ là niềm hạnh phúc của gia đình Minh Anh.
Giấc mơ 60 mét vuông và chiếc ban công nhỏ xinh Một buổi sáng cuối tuần, hai vợ chồng Minh Anh chở nhau trên chiếc Wave cũ đến khu nhà mẫu đã được hẹn trước.
Nhiều cặp vợ chồng khác cũng tham quan như họ, cũng ngồi vào bàn tư vấn. Không khí rất sôi nổi, hân hoan. Năm đó cô 31 tuổi. Những buổi sáng như vậy lặp lại trong hơn sáu tháng. Họ có mặt ở nhiều căn hộ mẫu khác nhau của các chung cư từ Hóc Môn, Quận 12, rồi Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Quận 2…
Mục tiêu là mua được nhà ở thành phố. Cân đối mãi túi tiền, thu nhập, xem xét chủ đầu tư, vợ chồng Minh Anh đã đặt cọc một căn hộ không quá xa trung tâm. Vợ chồng Minh Anh lúc đó đang ở nhà thuê.
Quyết định đặt cọc căn hộ như giải tỏa cho nỗi canh cánh trong lòng bấy lâu nay về việc bao giờ mới có thể mua được nhà ở thành phố.
Cô ngưỡng mộ những người xa quê như mình nhưng bám trụ được ở thành phố đông đúc này. Ngày đó, thu nhập của hai vợ chồng cộng lại chưa được 20 triệu đồng mỗi tháng.
Minh Anh làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ, chồng thì làm công trong một xưởng đồ gỗ. Dù vậy, vợ chồng cô vẫn luôn nuôi ước mơ sở hữu căn nhà tại thành phố này.
Vì khoản tiết kiệm không nhiều, Minh Anh quyết định vay ngân hàng để trả nợ theo tiến độ dự án, chứ không vay mượn người thân. Một năm, hai năm trôi qua, rồi ngày nhận bàn giao căn hộ cũng đã đến. Căn hộ mới có diện tích 60 mét vuông, hai phòng ngủ, hai phòng vệ sinh và ban công nhỏ xinh. Cô hoàn toàn hài lòng với nó.
Và tất nhiên là vợ chồng cô lại tốn tiền để làm cho nó đẹp hơn, đáng sống hơn. Ví như bắt đầu với việc trồng hoa ở ban công, điều mà Minh Anh luôn mơ ước hồi còn ở phòng trọ.
Mua nhà luôn là một “kế hoạch lớn” và cũng là niềm trăn trở của nhiều cặp vợ chồng đang sống ở những đô thị lớn. Gần 10 năm sau ra trường, Minh Anh mới chạm tới được giấc mơ. Đó là cả một sự tính toán về thời gian và tài chính.
Căn hộ có giá 1,2 tỉ đồng, với lãi suất gói vay là 9,5%/năm. Hiện tại, cô đang trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi là hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Mức trả này đã thấp hơn so với thời gian đầu nhận nhà. Theo thời gian mức nợ thanh toán cũng sẽ giảm dần theo dư nợ.
Còn nhớ lúc nuôi ý định cho đến khi quyết định đặt cọc căn hộ, Minh Anh nhận không ít lời khuyên là không nên. Nhiều người thân trong gia đình không thích vợ chồng họ ở chung cư, khuyên nên kiếm một miếng đất xa trung tâm để chắc chắn.
Mỗi người đều có mục tiêu riêng. Đối với cô làm việc kiếm tiền mua nhà để ở nhưng phải đảm bảo cuộc sống, đó cũng là mục tiêu để cố gắng. Nhiều lúc cô trộm nghĩ nếu chần chừ đến bây giờ không biết họ có khả năng mua được nhà hay không.
Hiện tại giá nhà đất tại TP.HCM đã tăng gấp nhiều lần so với thu nhập. Hay lúc đó cô nghe lời người thân cố gắng vay nợ để mua bằng được mảnh đất có khi bây giờ cũng đã tăng giá gấp nhiều lần. Nhưng rồi cô lại nghĩ, thôi thì liệu cơm mà gắp mắm.
Tài sản hay tiêu sản?
Ảnh minh họa.
Khoảng thời gian chờ nhận nhà cũng khá căng thẳng với vợ chồng Minh Anh. Khi đó, những thông tin về các chung cư chậm tiến độ hay tạm dừng xây dựng thỉnh thoảng xuất hiện trên báo đài. Lúc đó, nhiều đồng nghiệp cũng hay đưa ra những lời khuyên về lựa chọn của họ.
Đối với chị Hường, cũng là kế toán trong công ty Minh Anh, chung cư thì cũng chỉ là “nhà trọ cao cấp” mà thôi. Hường kể năm 2011, có người chị gái mua căn hộ 90m2 ở Hà Nội.
Một năm sau, chị này dọn vào căn hộ có giá hơn 2 tỉ đồng. Sau 10 năm, nếu bây giờ bán lại, căn hộ này chỉ có giá hơn 2 tỉ đồng, vì chung cư đang dần xuống cấp.
Chị Hường cho rằng nếu để tiền đó mua nhà đất, giờ phải bán được 4-5 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu chị gái thuê nhà tầm 5-6 triệu đồng/tháng, thì cũng chỉ tốn khoảng 600 triệu đồng trong từng đó năm.
Đó là lý do sau khi ra ở riêng, vợ chồng Hường vẫn không vội mua chung cư. Hường vẫn giữ quan điểm, nếu mua nhà xét theo giá trị đầu tư thì vẫn không nên mua chung cư.
Đúng như nhiều đồng nghiệp nói, Minh Anh cũng nhận thấy chung cư của mình sau 5 năm giá có tăng nhưng không đáng kể so với đất nền.
Hiện tại số nợ và lãi suất mà vợ chồng cô trích trả hàng tháng vẫn nằm trong kế hoạch. Cô không thấy tiếc vì lúc chọn đã đặt mục đích an cư lạc nghiệp là chính. Điều này làm khác với người bạn lớp đại học của Minh Anh. Vợ chồng cô bạn có thu nhập cao hơn Minh Anh thời điểm đó.
Đến nay gia đình bạn vẫn ở nhà trọ dù đang sở hữu lô đất một huyện ở tỉnh Đồng Nai. Trong khi Minh Anh thì nôn nóng muốn có nhà và lặn lội đi tìm các chung cư phù hợp, lúc đó bạn cô vẫn ung dung dù thu nhập đủ sức mua.
Người bạn bày tỏ quan điểm không thích ở chung cư vì sẽ mất giá theo thời gian. Cô cũng không bàn về không gian sống, hay môi trường cho con cái vui chơi, học tập, vì cô hiểu sự lựa chọn của mỗi người đều có lý do.
Nói về chuyện nhà đất, vợ chồng Minh Anh cũng đã có thời gian trải nghiệm với những cuộc săn lùng đất từ các con hẻm ngoằn ngoèo cho đến những lô đất nông nghiệp xa xôi của Sài Gòn. Nó như một câu chuyện dài tập.
Theo thông tin rao trên mạng, vợ chồng Minh Anh tức tốc điện thoại đến người đăng bán và được dẫn đến địa điểm xem đất. Vì vốn không nhiều nên sự lựa chọn cũng trong khả năng chi trả.
Lô đất được giới thiệu có cả căn nhà cấp bốn không được kiên cố lắm. Diện tích 40 mét vuông nằm ở một ấp sâu ở Quận 12. Ở đó có một dãy nhà được xây nhìn na ná nhau. Đó là của một chủ họ phân lô và xây lên để bán. Giá được đưa ra lúc đó là 750 triệu đồng.
Vấn đề họ quan tâm nữa là đất đó là đất nông nghiệp và đang nằm sổ chung, không biết đến khi nào mới tách sổ được. Điều đó đồng nghĩa cô không thể thế chấp để vay ngân hàng. Cái mà ai cũng cần nhất khi mua nhà đất lúc đó.
Những trường hợp diện tích nhà đất vừa nhỏ vừa không có sổ riêng là khá phổ biến. Cũng có lần, chồng háo hức chở cô băng qua những con đường mòn, qua mấy cánh đồng ở Hóc Môn vì đất ở đây có giá khá rẻ. Đến nơi cả hai mới biết đó là miếng đất lúa 100 mét vuông được rao bán 250 triệu đồng.
“Giá nhà đất ở dưới quê hiện nay cũng đã lên đến mức tiền tỷ mỗi lô. Giá nhà phố, nhà đất ở đô thị lớn thì bỏ xa thu nhập của người dân. Tiền nhà hiện nay đã lên đến tiền tỷ, trong khi thu nhập nhiều người vẫn còn ở mức 5-6 triệu/tháng. Nhiều người có tiền bỏ vào đất, không có thì vay mượn cũng để mua cho bằng được lô đất. Vì tư duy có miếng đất cắm dùi mà có khi nhiều người phải sống khổ chỉ để dành tiền mua đất.” |
Với loại hình đất ở đây, nếu mua, họ sẽ không được phép làm nhà. Nhưng người bán nói vẫn làm được, lâu rồi cũng sẽ được chấp nhận. Hai vợ chồng Minh Anh không dám đánh liều.
Cô không thể nhớ số lần cô kỳ vọng rồi thất vọng khi đi xem đất. Nguyên nhân có khi vì tài chính không đủ, có khi do giấy tờ, rồi vì địa điểm. Đó thực sự là một chặng đường gập ghềnh.
Lúc chọn mua nhà, ai cũng đặt lên bàn cân những ưu nhược điểm của mỗi nơi. Mua căn hộ chung cư thì không chịu nhiều về áp lực tài chính hoặc sẽ có kế hoạch rõ ràng theo tiến độ; môi trường sinh hoạt có tính cộng đồng, trẻ trung và nhiều tiện ích đi kèm.
Giá chung cư hiện tại đang thấp hơn so với giá nhà đất và mức tăng giá không có đột biến. Điều nhiều người quan tâm nhất là trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm.
Có 2 phương án được đề xuất. Một là sổ hồng cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn lâu dài như hiện nay. Hai là chung cư sẽ có thời hạn 50 năm, 70 năm. Đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi trước khi đưa vào Luật.
Do vậy, theo thời gian, chung cư được xem là tiêu sản vì chỉ có hao mòn chứ không sinh lời. Đối với nhà phố, nhà mặt đất, điểm nổi trội là giá tăng theo thời gian.
Thực tế là trong hơn mười năm qua, giá nhà đất tại Việt Nam đã không ngừng tăng lên từ 50 tới 300% ở các đô thị lớn. Riêng tại TP.HCM, những nơi nào tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011.
Tài sản từ đất của nhiều người đã sinh lời gấp nhiều lần chỉ sau vài năm. Nhưng cũng có một thực tế nữa là mức thu nhập của người lao động nhiều năm qua không tăng nhiều, nếu không muốn nói là phần lớn đang chỉ đủ duy trì cuộc sống.
Không phải người lao động nào cũng có khả năng sở hữu được nhà đất mà không phải vay số nợ lớn.
Vì vậy, để có được cái gọi là tài sản sinh lời như đất đai, nhiều người cũng phải “cõng” số nợ vượt nhiều lần thu nhập và khả năng của mình.
Với nhiều người, đó như một gánh nặng trong cuộc sống. Với quan điểm ngay từ đầu của vợ chồng Minh Anh là phải liệu cơm mà gắp mắm, cái gì mua để dùng thì chỉ quan tâm đến việc sử dụng, đến độ thỏa dụng của mình; còn cái gì đầu tư kinh doanh thì mới quan tâm đến yếu tố lời lỗ.
Chọn ở thuê hay mua nhà?
Hiện tại, nhiều bạn trẻ khác cũng đang có xu hướng thuê nhà chung cư để ở và không cố gây áp lực lên bản thân để có nhà thành phố. Ảnh: CafeLand.
Hiện tại, có một phương án mới để “né” trả nợ ngân hàng mà nhiều bạn trẻ đang chọn là ở nhà thuê. Chị họ của Minh Anh đang ở nhà thuê được 5 năm. Vợ chồng chị họ đều là công nhân. Họ thuê một căn nhà cấp bốn ở một huyện gần khu công nghiệp.
Trong 2 năm đầu giá thuê là 4 triệu đồng/tháng, mấy năm sau giá nhích lên 4,5 triệu đồng/tháng. Họ có kế hoạch thuê lâu dài, vì với giá thuê này, trong vòng 20 năm tới, giá cho thuê có tăng thì số tiền họ phải trả khoảng 1,2 tỉ đồng.
Trong khi đó, các căn hộ ở những quận xa trung tâm cũng đang rao bán trên dưới 2 tỉ đồng, có thể trả trước 500 triệu đến 1 tỉ đồng, số tiền vay còn lại cũng tầm 1 tỉ đồng.
Nếu tính theo lãi suất hiện nay, thì hàng tháng họ phải trả hơn 10 triệu đồng. Còn nếu vay tiền mua đất thì càng rủi ro vì đất nền tại TP.HCM vẫn rất cao thì số nợ sẽ còn nhiều hơn mua căn hộ.
Như vậy, việc mua nhà đang không phải là ưu tiên của hai vợ chồng chị, vì ngoài việc phải bỏ ra một số tiền lớn ban đầu, hàng tháng phải trả thêm lãi suất.
Gần đây thông tin chung cư có thể chỉ sở hữu 50 năm càng khiến chị muốn tìm phương án khác thay vì cố gắng mua nhà trả góp. Một đồng nghiệp khác của Minh Anh là Thu Nhi lại cho rằng chỉ sợ không có tiền chứ không sợ thiếu chỗ ở.
Cô ấy nhỏ hơn Minh Anh gần một giáp và có những suy nghĩ khác với thế hệ Minh Anh. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng Thu Nhi hơn 40 triệu đồng nhưng họ vẫn ở nhà thuê.
Họ thuê một căn hộ không xa trung tâm với giá thuê 8 triệu đồng mỗi tháng. Nếu tính luôn các chi phí khác cũng ngót 10 triệu đồng.
Quan điểm của vợ chồng Nhi là vẫn sống ở căn hộ theo đúng yêu cầu của mình. Số tiền còn lại có thể vừa để đầu tư, vừa dành để học tập và du lịch. Với mức thu nhập đó, nếu hai vợ chồng Nhi chọn thuê nhà thì cuộc sống sẽ thoải mái và không chịu áp lực trả nợ ngân hàng.
“Giá nhà đang ở quá xa so với thực tế thu nhập của nhiều người lao động. Mục đích chính của xây nhà dù là nhà đất hay chung cư đều cung cấp một nơi ăn chốn ở cho con người. Nhưng hiện nay giá trị chính của nhà đất lại đang là cơ hội kiếm tiền của người đầu cơ thay vì là nơi an cư của người khác. Rồi qua nhiều cơn sốt đất, những người thực sự có nhu cầu mua nhà để ở đã không còn khả năng để mua nữa.” |
Hiện tại, nhiều bạn trẻ khác cũng đang có xu hướng thuê nhà chung cư để ở và không cố gây áp lực lên bản thân để có nhà thành phố.
Giá nhà đất mấy năm gần đây tăng lên một mặt bằng mới, căn hộ giá rẻ hay ưu đãi không còn nhiều tại các thành phố lớn, khiến cho ước mơ sở hữu một nơi an cư của nhiều người càng xa vời.
Ngay tại TP.HCM, những dự án mới có mức giá dưới 35 triệu đồng mỗi mét vuông còn lại rất ít.
Điều đó càng làm cho người lao động thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà, kể cả những người làm công việc văn phòng khác.
Sợ lãi suất mua nhà, các vấn đề phát sinh khi sở hữu nhà như pháp lý, chất lượng công trình, các tiện ích xung quanh, nhiều người xem chọn thuê nhà là giải pháp khả thi nhất.
Một số chung cư ở xa trung tâm với giá dưới 2 tỉ đồng, thì lãi vay và gốc phải trả hàng tháng cũng ở tầm 15-17 triệu đồng sau khi đã đóng trước 40%.
Trong khi đó, thuê nhà vừa ở vừa kinh doanh mặt bằng 10 triệu đồng/tháng cũng khá phổ biến. Còn nếu chọn thuê căn hộ cũng chỉ tầm 6-7 triệu/tháng đối với diện tích dưới 60 mét vuông cũng có nhiều lựa chọn.
Như vậy, với phương án thuê nhà lúc này người thuê chỉ lo đến tiền thuê nhà hàng tháng mà không phải chịu nhiều áp lực, hay phải lo lắng về những ràng buộc khác.
Cũng vì vậy mà giấc mơ an cư vốn dĩ là mục tiêu hàng đầu này đã không còn đặt nặng như trước đây của người lao động ở thành phố lớn.
Nhà ở vẫn luôn là chủ đề muôn thuở, dù là phương án nào thì mỗi người sẽ có những suy tính của riêng mình sao cho phù hợp với nhu cầu và mục đích của mình nhất.
Theo cafeland.vn – Phương Lam