Thứ Tư, 09/10/2024, 20:04

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới

Xem thêm

Sáng 9/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” bắt đầu diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ chương trình.

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.

Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thu hút toàn dân tham gia hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Từ phong trào, nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã tạo thành luồng gió đổi mới tích cực, toàn diện cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Diện mạo các vùng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

nong thon moi

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở kết quả của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 tiếp tục trở thành một trong những phong trào có hiệu quả thiết thực, để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Nhiều mô hình mới, sáng tạo, linh hoạt được thực hiện hiệu quả từ một đến một vài địa phương đã lan tỏa sức mạnh phong trào đến cả nước.

Các tỉnh, thành phố phát động phong trào thi đua với nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Các bộ, ban, ngành Trung ương tích cực triển khai thực hiện phong trào thông qua việc tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ đến với nông dân; thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; triển khai các chương trình liên kết; đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Tiêu biểu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào “Toàn ngành chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới”; Bộ Giao thông vận tải với phong trào chung tay xây dựng cầu treo dân sinh, đường giao thông nông thôn; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam có cơ chế chính sách đặc biệt ủng hộ huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Hội Cựu chiến binh Việt Nam có phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới”; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Kết quả của phong trào thi đua đã tác động tích cực, góp phần về đích sớm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020.

Đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã (chiếm tỷ lệ 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã so với cuối năm 2019.

Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Đặc biệt, 127/664 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 4 huyện: Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) được lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nam Định, Đồng Nai được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Từ thực tiễn tổ chức và kết quả đạt được, phong trào thi đua đã có sức lan tỏa rộng khắp trên tất cả các vùng, miền, lĩnh vực, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hiện nay, phong trào đang tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 40% số xã nông thôn mới nâng cao, 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025, không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí.

Đối với cấp tỉnh, phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Thư

Link gốc

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới