Thứ Ba, 15/10/2024, 23:36

Cử nhân khiếm thị từ RMIT tự tin lan tỏa năng lượng tích cực

Xem thêm

Đối với Hoàng Nhật Minh, tốt nghiệp đại học là dấu mốc quan trọng trên hành trình khát vọng cải thiện cuộc sống của bản thânnhững người khuyết tật khác.

Hoàng Nhật Minh mới tốt nghiệp ngành Cử nhân Truyền thông chuyên nghiệp Đại học RMIT (trong hình: Minh cùng ba mẹ và cô Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục tại Đại học RMIT).

Đạt Học bổng Chắp cánh ước mơ do Đại học RMIT trao năm 2016, Hoàng Nhật Minh đặt quyết tâm nỗ lực hết mình để cống hiến cho cộng đồng ngay từ ngày đầu bước chân vào cánh cổng đại học.

Trong thời gian theo học chương trình cử nhân, Minh đã nhận được sự trợ giúp tận tình từ Dịch vụ bình đẳng giáo dục của nhà trường và sau đó đã trở thành tình nguyện viên cho những dự án nhằm ​​hỗ trợ các sinh viên khiếm khuyết khác.

Bên cạnh đó, Minh cũng là tình nguyện viên chuyên về mảng nội dung và là huấn luyện viên võ thuật cho tổ chức xã hội mang tên Aikido – Thế giới là yêu thương với sứ mệnh giúp người khuyết tật rèn luyện thể thao và nâng cao khả năng tự lập trong cuộc sống.

Tân cử nhân ngành Truyền thông chuyên nghiệp cho biết chặng đường bốn năm qua đã nuôi dưỡng sự tự tin và lòng nhân ái của bản thân.

“Mọi người ở RMIT luôn tôn trọng tôi mặc dù tôi là người khuyết tật. Các thầy cô thường khuyến khích tôi sử dụng các chất liệu và cảm hứng từ chính cuộc sống của mình để đưa vào bài tập, và tôi rất biết ơn vì điều đó”, Minh chia sẻ.

“Có lẽ người để lại ấn tượng lớn nhất với tôi là cố giảng viên Tiến sĩ Bennett McClellan. Thầy đã tin rằng tôi có thể sử dụng máy ảnh mặc dù là người khiếm thị và tôi có thể chỉnh sửa video thành thạo như những sinh viên có thị lực bình thường”, Minh xúc động nhớ lại.

Minh (đứng thứ hai từ trái trong hình) với các bạn cùng nhóm và giảng viên RMIT tại một buổi thuyết trình cho khách hàng trong khuôn khổ chương trình học Cử nhân Truyền thông chuyên nghiệp.

Sau thời gian thực tập, Minh đã nhận được công việc tại phòng Truyền thông và Gây quỹ của tổ chức từ thiện Saigon Children, chuyên phụ trách mảng nội dung trang web. Đồng thời, Minh là điều phối viên cho dự án truyện tranh về an toàn mạng của tổ chức này.

Minh tiết lộ rằng trước khi có được công việc hiện tại, cậu đã trải qua một khoảng thời gian ngắn khá lo lắng vì hai tổ chức khác trước đây có ý định tuyển dụng Minh đã phải thu hồi lại lời mời làm việc do ảnh hưởng của COVID-19.

“Nhờ cổng thông tin tuyển dụng CareerHub của RMIT, tôi đã có ba tháng thực tập tại tổ chức Saigon Children. Sau đó, tôi được gia hạn thêm một tháng thực tập rồi trở thành nhân viên của tổ chức này,” Minh chia sẻ.

“Tôi rất vui khi được tiếp tục bước trên con đường mình đã chọn, đó là làm công việc liên quan đến giáo dục đặc biệt và công tác xã hội. Đây là một lĩnh vực hẹp nhưng phù hợp với năng lực, tính cách cũng như kinh nghiệm của tôi.”

Trong tương lai gần, Minh dự định sẽ ứng tuyển Học bổng Chính phủ Úc để theo học chương trình thạc sĩ về giáo dục đặc biệt hoặc công tác xã hội. Nhưng để có thể giúp đỡ cho cộng đồng tốt hơn, Minh tin rằng bản thân cần phải nâng cao trình độ học vấn ngày càng sâu và rộng hơn.

“Tôi mong muốn nâng cao trình độ và kinh nghiệm để có thể chuyên nghiệp hơn trong công tác xã hội. Tôi cũng muốn đóng góp sức mình cho bộ phận Chăm sóc sức khỏe và tâm lý ở RMIT để giúp những sinh viên có khiếm khuyết trở nên độc lập và tự tin hơn trong cuộc sống và công việc”, Minh cho biết.

Cô Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục tại Đại học RMIT chia sẻ thêm: “Trong thời gian học đại học, Minh đã hỗ trợ rất nhiều cho các sinh viên khác. Không chỉ chăm sóc về tinh thần hay hỗ trợ kỹ thuật, cậu ấy còn tư vấn để trường đẩy mạnh áp dụng các phương pháp dạy và học tốt nhất bao gồm Thiết kế phổ quát cho học tập (Universal Design for Learning). Tôi rất mong được chứng kiến những dự án và sáng kiến tuyệt vời tiếp theo mà Minh sẽ tham gia trong sự nghiệp.”

Minh hiện đang làm việc tại Saigon Children, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam phát huy được hết tiềm năng thông qua nền tảng giáo dục chất lượng và phù hợp với nhu cầu.

Minh rất vui khi Đại học RMIT đã tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên sáu suất năm nay. Theo Minh, sinh viên tương lai mong muốn vươn tới Học bổng Chắp cánh ước mơ nên dành thời gian tìm hiểu những mối quan tâm thực sự của bản thân và xác định chương trình học yêu thích, đồng thời tận dụng tất cả những hỗ trợ có sẵn.

“RMIT đã cho tôi sự tự tin, kiến thức và kỹ năng mà tôi tin rằng không trường đại học nào khác ở Việt Nam có thể đem đến cho sinh viên khuyết tật như tôi. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn nhận được những cơ hội và trải nghiệm tuyệt vời như tôi từng có”, Minh tâm sự.

Minh chia sẻ rằng gia đình chính là động lực lớn nhất để cậu bạn không ngừng cố gắng trên con đường học vấn (trong hình: Minh cùng ba mẹ tại lễ trao học bổng RMIT năm 2016).

Nhi Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media.

Bài viết mới