Thứ Năm, 19/09/2024, 11:05

Cư dân trẻ TP.HCM ‘tương kế tựu kế’ mua chung cư thời ‘bão’ lãi suất

Xem thêm

Nhiều cư dân trẻ của TP.HCM sở hữu căn hộ 3 tỷ đồng, nghe thì “oách” nhưng cũng chỉ ngót nghét 40m2, trong khi gánh lãi suất ngân hàng càng ngày càng nặng. Chuyện người trẻ ở TP.HCM ở nhà tiền tỷ nhưng không dám uống cà phê, đi ăn tiệm là có thực.

Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM hôm 27/11 chỉ đạo cần giảm giá nhà. Trong khi chờ đợi tín hiệu giảm giá, người trẻ “tương kế tựu kế” mách nhau cách mua nhà thời “bão lãi suất”.

Cư dân trẻ TP. HCM 'tương kế tựu kế' mua chung cư thời 'bão' lãi suất

Nhiều bạn trẻ mong sở hữu một ngôi nhà tại TP.HCM để an cư lạc nghiệp.

Nhịn ăn trả lãi ngân hàng

Việc sở hữu một ngôi nhà tại TP.HCM để an cư lạc nghiệp là mong muốn của không ít người trẻ đã và đang trụ lại TP để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, với nguồn cung ít, trong khi mức giá lại quá cao, người trẻ dù có “đỏ mắt” cũng khó có thể kiếm được nhà với giá vừa phải tại khu vực mình mong muốn.

Nguyễn Kiên, tốt nghiệp Đại học Y dược, nhân viên kinh doanh của một tập đoàn phân phối dược phẩm của Nhật, sau 4 năm sinh sống, làm ăn tại TP. HCM, vẫn đang trong hành trình tìm căn hộ ở trung tâm để an cư, sớm thoát cảnh thuê nhà đắt đỏ. “Điều ước của em vẫn chưa thành hiện thực, cứ chờ giá nhà mềm đi để vay ngân hàng mua, mà thật buồn khi cứ tăng mạnh trong 3 năm qua. Lãi suất ngân hàng cũng tăng chóng mặt”.

Kiên đã kiên trì tìm hiểu, theo chân các môi giới đi qua những khu chung cư từ quận 4, quận 7, tới Nhà Bè, Thủ Đức. Giá một căn hộ có diện tích 50m2 bao gồm chỉ 1 phòng ngủ cũng đã lên tới ngót 4 tỷ đồng, một số tiền xa vời so với thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng như Kiên.

Kiên đành phải tìm sang những chung cư xa trung tâm hơn, nhưng mức giá cũng lên tới 3 tỷ đồng cho một căn 50m2 là thấp nhất. Đã vậy, nỗi khổ đường xá ngập và kẹt xe từ Nhà Bè hoặc Bình Tân lên tới trung tâm quận 1 là nơi Kiên làm việc vẫn chưa được cải thiện. “Cũng đành phải chọn lựa thôi, nhưng mua không dễ trong thời điểm ngân hàng hết room tín dụng như hiện nay”, Kiên chia sẻ.

Nguyễn Như Quỳnh, 25 tuổi, nhân viên của một ngân hàng cổ phần tại quận 3 cho hay, chị may mắn hơn khi mua được căn chung cư cách đây 2 năm ở quận Bình Thạnh diện tích 45m2 với giá 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên với lãi suất thả nổi hiện nay thì Quỳnh phải chắt bóp từng đồng, từng hào vì gánh nặng nợ nần. “Em không dám mời bạn ra quán uống cà phê nữa, cứ có lương là tính chuyện trả lãi và gốc cho ngân hàng”, Quỳnh nói.

Với Kim Hoài, 28 tuổi ở quận 8, thì tình hình còn “bi đát” hơn, không những lo trả nợ ngân hàng với lãi suất cao mà còn khổ sở bởi giá chung cư mới quá cao nên để an cư. Hoài quyết định mua căn chung cư cũ với giấy tờ viết tay. “Em luôn lo lắng và có cảm giác rất rủi ro và nghĩ đây không phải nhà của mình mặc dù mình đã mua nó. Em đành chấp nhận ở ngày nào hay ngày đó, vì không thể mua nhà mới ở trung tâm với giá trung bình 100 triệu đồng/m2 như hiện tại được”, Hoài chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ ở TP.HCM đã đành phải bán lại nhà, bán lại cục nợ với giá lỗ để về quê bởi cảm thấy mệt mỏi, khi phải gánh trên vai món nợ hàng tỷ đồng, mỗi tháng hơn 30 triệu đồng cứ thế không cánh mà bay. “Ba mẹ cũng giúp đỡ em rất nhiều, nhưng ở quê mà hỗ trợ 1 tỷ đồng là nhiều tiền lắm rồi, là hết cả tiền tiết kiệm và đất đai trồng trọt bán sạch hỗ trợ em mua nhà. Nhưng dù có cả sự giúp đỡ của bố mẹ, thì thu nhập 15 triệu đồng/tháng của em vẫn khá eo hẹp để trả nợ ngân hàng. Ai rủ em đi ăn, đi chơi ở đâu em cũng nói là không có tiền và em không biết có kiên nhẫn để trải qua 15 năm vay nợ như thế này nữa không”, Huyền Như, một giáo viên dạy Anh văn sở hữu một căn hộ 35m2 ở Bến Vân Đồn, quận 4 với giá 3 tỷ đồng chia sẻ.

“Tương kế tựu kế” mua căn hộ chung cư

Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 8,9 triệu dân nhưng trên thực tế con số này lên đến hơn 13 triệu dân. Khảo sát từ Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, mỗi năm có khoảng 50.000 cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu về nhà ở.

Với nhóm người trẻ, tiền tích lũy chưa nhiều nên việc mua nhà ở không phải là điều dễ dàng, thu nhập bình quân theo đầu người tại TP. HCM dao động khoảng 7.500 USD/năm (tương đương 175 triệu đồng/năm và 15 triệu đồng/tháng). Tại TP.HCM, hầu hết căn hộ trung cấp (2 phòng diện tích 65m2) hiện nay có giá khoảng 5 tỷ đồng, cao hơn khoảng 40 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng tiết kiệm khoảng 8 – 12 triệu đồng/tháng và khoảng 100 triệu đồng/năm.

“Chúng tôi phải vay ngân hàng mua trả góp là điều đương nhiên thôi nhưng hiện lãi suất vay đã tăng chóng mặt ở khu vực khách hàng cá nhân. Hiện tôi mua căn hộ có tài sản thế chấp đã phải trả 16%/năm còn chị gái tôi vay suất tín chấp đã lên đến 19%/năm”, Phạm Minh Hoàng, nhân viên của một công ty kinh doanh xăng dầu ở quận Phú Nhuận, cho hay.

Một số người bị sốc, nhưng đối với Hoàng thì đó lại là động lực để phấn đấu. Hoàng khá bình tĩnh do đã được nhiều đàn anh đi trước chỉ cách vay ngân hàng mua nhà mà vẫn an toàn hiệu quả, phòng tránh rủi ro trước các biến động vĩ mô. Đó là vay thời hạn dài nhất đến mức có thể (20 năm trở lên) dù nhu cầu tài chính chỉ cần vay trong 5 năm. Lý do là vay dài hạn sẽ làm số tiền gốc phải trả hằng tháng giảm xuống khá thấp, làm giảm đáng kể áp lực tài chính cho việc thanh toán ngân hàng hằng tháng. Vài năm sau nếu đủ tài chính không muốn vay nữa, chỉ việc tất toán các khoản vay cũ mà vẫn không bị lãi phạt.

Tính toán phương án vay tối ưu tạo cơ hội có nhà ở tại TP.HCM.

Còn Bùi Kim Ngân, 30 tuổi, nhân viên của chi cục thuế tại quận 7 cho hay, khi mua nhà nên giữ lại 10% tiền vay ngân hàng (không xài) để lập dự phòng hàng tháng trả lãi và gốc cho ngân hàng trong ít nhất là 12 tháng, để luôn “ngủ ngon” bất kể nguồn thu nhập rơi xuống số 0 hay lãi suất biến động thế nào. Số tiền “backup” này, Ngân gửi tiết kiệm ngược lại ở ngân hàng với 50% kỳ hạn 6 tháng, 25% kỳ hạn 3 tháng và 25% kỳ hạn 1 tháng, chia làm 3 sổ, mỗi sổ tương đương tiền trả lãi và gốc của 1 tháng vay.

“Nên chú ý sao cho mỗi lần đáo hạn 1 sổ (kỳ hạn 1 tháng) là bạn rút luôn sổ đó để đóng tiền ngân hàng. Sau 3 tháng thì bạn tất toán tiếp sổ kỳ hạn 3 tháng để tách thành 3 sổ gửi tiếp kỳ hạn 1 tháng. Và cứ thế sau 6 tháng tất toán đến kỳ hạn 6 tháng để chuyển thành kỳ hạn 3 tháng và 1 tháng. Làm điều này người vay vẫn có tiền lãi gửi tiết kiệm đều đặn. Thời này các ngân hàng đều có gửi tiết kiệm online nên việc tất toán sổ đều thực hiện nhanh chóng trong vài giây trên điện thoại”, Ngân chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ nắm vững 2 nguyên tắc trên, nên dù lãi suất thả nổi có tăng hay nền kinh tế có biến động thế nào đi chăng nữa, mỗi tối người vay tiền ngân hàng mua chung cư vẫn được ngủ ngon trong ít nhất 12 tháng tới.

“12 tháng là đủ cho bạn xoay sở nhiều phương cách tốt để luôn duy trì trả tiền vay ngân hàng, dù rằng trong khoảng thời gian đó bạn không ra quán uống cà phê, không ăn tiệm nhưng giai đoạn khó khăn này, đành phải tương kế tự kế và lạc quan thôi”, Minh Hoàng chia sẻ.

Theo vietnamfinance.vn – Nam Phương

 

 

 

Bài viết mới