Chủ Nhật, 28/04/2024, 0:42

Chuẩn bị thanh tra toàn diện TikTok Việt Nam, loại bỏ nội dung độc hại

Xem thêm

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa qua cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới. Thời gian dự kiến kiểm tra bắt đầu từ tháng 5/2023.

TikTok là một trong 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, cùng với Facebook, YouTube và Zalo.

Dù mới chỉ bùng nổ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây nhưng Việt Nam đã xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có số lượng người sử dụng TikTok đông nhất thế giới.

Khác với Facebook, TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa, các nội dung xấu, thông tin sai sự thật cũng có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.

Đó là lý do thời gian gần đây trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5/2023. 

Theo đại diện Bộ TTTT, Bộ sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để. 

Trong phiên chất vấn diễn ra hồi tháng 11/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết Bộ sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới như TikTok về vấn đề quảng cáo. Bộ trưởng cũng thừa nhận vấn đề quảng cáo sai sự thật xuất hiện nhiều trên các nền tảng xuyên biên giới.

tiktok1

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. 

“Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…” – ông Lê Quang Tự Do nói.

Trên toàn cầu, TikTok cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Chính phủ các quốc gia như New Zealand hay Anh gần đây đã yêu cầu cấm và gỡ bỏ cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị có liên quan tới chính phủ.

Đặc biệt, tại Mỹ, nơi TikTok có lượng người sử dụng nhiều nhất thế giới (không bao gồm Trung Quốc, nơi người dùng sử dụng ứng dụng “chị em” của TikTok là Douyin), ứng dụng này còn có nguy cơ bị cấm toàn diện do chính phủ Mỹ lo ngại TikTok có thể trở thành “cầu nối” cung cấp thông tin về người dùng Mỹ cho phía Trung Quốc.

Theo Tạp chí SHTT & Sáng tạo – Vân Anh

 

 

Bài viết mới