Từng bỏ ngang đại học để theo đuổi đam mê, ở tuổi 24, Châu Bùi đã trở thành biểu tượng thời trang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới trẻ, là đại sứ thương hiệu của những nhãn hàng thời trang đình đám trên thế giới. Mới đây, cái tên Châu Bùi đã được lọt vào danh sách “30 Under 30 Asia 2021” do tạp chí Forbes bình chọn.
Châu Bùi là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam được vinh danh trong danh sách “30 Under 30 Asia 2021” của Forbes.
Trước thềm năm mới, cô gái tuổi Sửu đã chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính về quá trình làm nghề, cách biến “áp lực thành động lực” để có thể đi đường dài, đóng góp thêm nhiều giá trị cho cộng đồng.
– Là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam được vinh danh trong danh sách “30 Under 30 Asia 2021” của Forbes, cuộc sống và công việc của Châu Bùi có thay đổi nhiều ko?
Tôi nghĩ là có và đều là những thay đổi tích cực. Một trong những thay đổi mà tôi thấy trân trọng nhất là cơ hội được kết nối với nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn trẻ. Sau khi được vinh danh trong top “30 Under 30 Asia 2021”, tôi đã có nhiều hơn những lời mời làm giám khảo tại một số chương trình hay đến trao đổi với các bạn sinh viên tại các trường đại học, sự kiện. Mỗi một lần như vậy là một lần tôi được lắng nghe nhiều hơn. Trong quá trình chia sẻ với mọi người thì chính tôi cũng được học hỏi, trải nghiệm thêm.
Bên cạnh việc có thêm nhiều dự án, kế hoạch thì đến giờ giải thưởng này vẫn luôn là một động lực tinh thần cho tôi, để tôi thấy công việc mình làm có giá trị và có thể truyền cảm hứng đến cho nhiều người. Chính bởi vậy tôi lại càng yêu nghề và muốn cống hiến nhiều hơn.
– Có tới hơn 3 triệu người theo dõi trên Instagram và 2 triệu người theo dõi trên Facebook và nhiều kênh khác, bên cạnh những lợi ích mang lại, có khi nào Châu Bùi thấy áp lực vì có quá nhiều người “theo dõi” mình không?
Nói thật lòng thì từ trước tới nay những điều tôi làm đều là những gì tôi thích làm và muốn làm. Tôi chỉ đang sống là chính tôi thôi vì vậy tôi cũng không phải căng thẳng, hay “gồng” lên thành ai khác cả. Đây cũng là may mắn của tôi, khi mình chia sẻ cuộc sống hàng ngày và nhận được sự ủng hộ yêu mến của mọi người.
Dù vậy, nếu nói là không có chút áp lực gì thì cũng không đúng. Vì tôi nhận thức được rằng khi có nhiều người theo dõi mình, mỗi một hành động, lời nói của mình đều có thể tác động đến người khác. Tác động tích cực hay tiêu cực, một phần là trách nhiệm của mình. Khi mọi người đã đặt niềm tin và ủng hộ mình, thì mình cần làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm để xứng đáng với tình cảm đó.
Áp lực là điều ai cũng sẽ có, và không có công việc nào áp lực hơn công việc nào. Đối mặt với áp lực, tôi chọn cách vui vẻ đón nhận và biến áp lực thành động lực. Như việc được mọi người theo dõi nhiều chính là một “áp lực” mà tôi thấy mình may mắn, biết ơn khi có được. Mình rất trân trọng khi biết có mọi người đồng hành cùng mình trong cuộc sống.
– Ngoài công việc làm thời trang và là một “influencer”, Châu Bùi có đang làm công việc kinh doanh gì ko? Có làm gì để đa dạng hóa nguồn thu nhập không?
Tôi đã từng mở cửa hàng bán quần áo, vừa để thỏa mãn đam mê thời trang vừa là để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Tuy đó chỉ là một trải nghiệm mô hình kinh doanh nhỏ thôi nhưng tôi cũng nhận thức được việc kinh doanh không hề đơn giản. Bên cạnh đam mê thì có rất nhiều khía cạnh quan trọng không kém như nhân sự, tài chính, marketing, đối nội, đối ngoại… Quy mô kinh doanh càng lớn thì sẽ càng có những vấn đề phức tạp. Hiện tôi đang nâng cao năng lực chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm mỗi ngày, chuẩn bị tốt nhất để khi cơ hội đến tôi có thể sẵn sàng nắm bắt được ngay. Tôi cũng hiểu dù trong kinh doanh hay lĩnh vực gì khác, “thiên thời địa lợi nhân hòa” là rất quan trọng.
Tôi thấy rằng một trong những may mắn của thế hệ bây giờ là tiếp cận công nghệ, tài chính từ rất sớm. Hàng ngày chúng ta được tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ của mọi lĩnh vực, và từ những nhân vật lớn trong và ngoài nước. Mình có nhiều cơ hội đọc và tự học hỏi nhiều hơn. Bởi vậy mà có rất nhiều bạn dù còn rất trẻ nhưng đã có những trải nghiệm, lựa chọn đầu tư khác nhau, như là bất động sản hay chứng khoán…
Tôi nghĩ việc đầu tư không phụ thuộc vào độ tuổi mà phụ thuộc vào sự hiểu biết, kiến thức và cả sự “can đảm” của mỗi người. Miễn là trước khi đầu tư cái gì, mình cũng phải tìm hiểu thật kỹ. Tôi hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, nên cũng đang trong quá trình học và tìm hiểu.
– Nhiều bạn trẻ có quan điểm rằng sẽ dành hết sức trẻ để làm việc để được “nghỉ hưu” sớm, Châu Bùi có quan điểm như vậy không?
Thật ra còn phụ thuộc vào định nghĩa “nghỉ hưu” của mọi người. Tôi thấy có nhiều bạn khi nói “nghỉ hưu” không có nghĩa là “không làm việc”, mà có thể là bạn tìm một cơ hội mới, một lối sống mới hay đơn giản là tạm dừng công việc để để học, đọc, quan sát và cảm nhận cuộc sống nhiều hơn. Nói chung, mỗi người sẽ có một quan điểm sống, và theo tôi, mình vui với lựa chọn của mình là được.
Còn với bản thân tôi thì có quan điểm hơi khác. Đúng là tôi đã từng trải qua thời gian tưởng như là “dành hết sức trẻ” để làm việc, nhưng đó không phải là để “nghỉ hưu sớm”. Có lẽ do tôi chưa nghĩ đến chuyện nghỉ hưu bao giờ, vì mình yêu công việc của mình quá mà (cười). Nhưng vì tôi đã trải qua cảm giác làm việc liên tục, đến mức “burn out”, hay kiệt sức như các bạn vẫn hay nói, nên tôi phần nào hiểu được tâm trạng, suy nghĩ của mọi người. Đến thời điểm hiện tại, thay vì “cắm đầu cắm cổ” chạy đến một đích đến mà trước đó mình định nghĩa là thành công, thì tôi quan tâm, trân trọng hơn đến hành trình mình đi qua.
Thời gian qua khi tôi có cơ hội góp phần vào những dự án cộng đồng, những dự án liên quan đến sự phát triển bền vững như giáo dục, môi trường… tôi cảm nhận rất nhiều sự “kết nối”, đó là sự kết nối giữa con người với con người, giữa con người và thế giới. Những “mối nối” này khiến cho tôi thấy công việc của mình có giá trị hơn, và nhờ thế mà mình yêu nó hơn.
Và tôi nhận ra mình không cần phải chạy nhanh quá, vì không chỉ “đích đến” mới đáng trân trọng, hành trình mình đến đó cũng có rất nhiều điều quý giá. Bây giờ tôi không chọn “đi nhanh”, tôi chọn “đi lâu”. Mình cần cân bằng lại cuộc cống, chia sẻ lối sống văn minh để làm sao có thể đi đường dài, để đóng góp giá trị cho cộng đồng được nhiều hơn, lâu hơn.