Với niềm đam mê, sáng chế, thầy giáo Lê Thanh Liêm, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang) đã cho ra đời hàng loạt các thiết bị hữu ích, phục vụ cho ngành giáo dục.
Ba trong tổng số hơn 1000 sáng kiến của các nhóm tác giả trên toàn quốc đã chính thức được trao giải Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020.
Ba công trình, sáng kiến đạt giải gồm: Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay của nhóm tác giả Đào Lê Hòa An, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đào Lê Tâm An và Lâm Tùng; Thiết bị hỗ trợ công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động của tác giả Hà Quốc Trung; Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dụng môn Vật lý của thầy giáo Lê Thanh Liêm.
Ba sáng kiến được gọi tên cao nhất, nhưng sự gia tăng vượt trội số lượng các sáng kiến đã cho thấy sức hút, sự tâm huyết của các tri thức trẻ cả nước với ngành giáo dục.
Chân dung thầy giáo Lê Thanh Liêm cùng những sáng chế hữu ích cho ngành giáo dục.
Đặc biệt, khi nhắc tới thầy giáo Lê Thanh Liêm, các học sinh của trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam đều thể hiện thái độ kính trọng và nể phục.
Trong khoảng 2 năm ấp ủ thực hiện công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý”, thầy Lê Thanh Liêm đã sáng chế, cải tiến được hàng chục thiết bị thí nghiệm, phục vụ giảng dạy.
Theo thầy Liêm, đối với những môn học thiếu trang thiết bị, giáo viên thường phải “dạy chay”, trong khi nhiều môn học cần dùng phương pháp trực quan, học sinh cần được thực hành, thí nghiệm, quan sát mô hình mới mang lại hiệu quả (như Hóa học, Sinh học…)…
Do chỉ “học chay”, học sinh khó tiếp cận kiến thức mới, dẫn đến chất lượng dạy và học không đạt hiệu quả cao.
Xuất pháp từ những trăn trở này, cộng với những vấn đề còn bất cập trong quá trình dạy thực hành cho học sinh trong trường, thầy Lê Thanh Liêm đã nung nấu ý định ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ về công nghệ cảm biến vào các thiết bị đồ dùng có sẵn, cải tiến thêm, đồng thời chế tạo thêm các thiết bị mới để phù hợp với xu thế đổi mới.
Nghĩ là làm, bằng tâm huyết với nghề và đặc biệt là với các em học sinh, thầy Lê Thanh Liêm đã tập trung nghiên cứu, tìm hiểu cách thức cải tiến thiết bị.
Dù là thầy giáo giỏi, kiến thức vững nhưng thời gian đầu, thầy đã gặp không ít khó khăn khi sản phẩm làm ra chưa phù hợp, phải cải tiến nhiều hơn nữa. Chi phí hỗ trợ không nhiều, thậm chí không có, nhiều lúc thầy tự bỏ tiền mua thiết bị thử nghiệm.
Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng thầy không nản trí, giữ vững tâm huyết nghiên cứu, xây dựng công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý”, cho ra đời nhiều thiết bị chất lượng.
Công trình nghiên cứu của thầy Lê Thanh Liêm được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, thực tế, giúp các giáo viên tự ứng dụng công nghệ tạo ra những bộ đồ dùng phù hợp với mỗi môn học, từng vùng miền khác nhau.
Việc làm này cũng thể hiện xu hướng mở trong thiết kế đồ dùng học tập, tạo môi trường, cảm hứng cho giáo viên và học sinh luôn tư duy, sáng tạo để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với môn học.
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Thư