Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng tạm thời không mua và không sử dụng sản phẩm Rượu nếp của Cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa (Trung Xá, Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên) cho đến khi có kết luận cuối cùng của Bộ Công thương.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo khẩn cấp về việc mọi người không sử dụng một loại rượu nếp sản xuất tại Hưng Yên nghi là nguyên nhân gây ngộ độc khiến nhiều người phải nhập viện.
Theo đó, ngày 12/11, Cục An toàn thực phẩm nhận được Công văn của Bệnh Viện Bạch Mai về việc tiếp nhận 7 bệnh nhân trong 2 vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân suy giảm thị lực nặng và di chứng thần kinh.
Các bệnh nhân này đã cùng uống một loại rượu, thông tin trên nhãn: Rượu nếp; Can 30 lít, ≤ 29,9% Vol. Cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa, địa chỉ: Trung Xá, Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, loại rượu này có nồng độ methanol rất cao.
Cảnh báo khẩn cấp: Loại rượu nếp liên quan đến 7 ca ngộ độc methanol, 1 người tử vong.
Trước thực trạng này, để đảm bảo an toàn, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng tạm thời không mua và không sử dụng sản phẩm rượu nếp của cơ sở Đất Lúa cho đến khi có kết luận cuối cùng của Bộ Công thương.
Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.
Cục ATTP cũng cho biết đã chuyển toàn bộ thông tin nói trên cho Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Công thương để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý sản phẩm và áp dụng các biện pháp khắc phục sự cố về ATTP theo quy định của Luật ATTP.
Khi uống rượu methanol, methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 – 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu. Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic – acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong. |
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Hà Trang