Thứ Sáu, 29/03/2024, 0:01

Cân nhắc để chọn đúng kênh đầu tư năm 2023

Xem thêm

Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy biến động của giới đầu tư khi đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn biến mất, lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực, các ngân hàng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát…

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khẳng định, nhà đầu tư vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận nếu như chọn đúng kênh đầu tư.

Cơ hội đầu tư tại Việt Nam có thể xuất hiện ngay trong những quý đầu năm 2023 – Ảnh minh họa.

Dù còn nhiều khó khăn, song đối với các kênh đầu tư mới trong xu thế công nghệ 4.0, các chuyên gia kinh tế đã có cái nhìn khá tích cực dù thị trường này biến động mạnh trong năm 2022 và dự đoán có nhiều bất ngờ mới trong năm 2023. 

Thông tin tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/2 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tuấn, Nhà sáng lập TOPI – Ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính nhận định: Theo 20 báo cáo của các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới và cách họ nhận định về năm 2023 thì thấy 2 cụm từ lạm phát và suy thoái có tần suất lặp đi lặp lại ở mức cao. 

“Tuy nhiên, cơ hội đầu tư tại Việt Nam có thể xuất hiện ngay trong những quý đầu năm 2023”, ông Tuấn nói.

Phân tích rõ hơn, ông Tuấn cho rằng thời điểm quý I, II có đặc trưng lãi suất cao nhằm kiểm soát lạm phát từ thế giới và chính sách thúc đẩy tăng trưởng qua đẩy mạnh đầu tư công.

Với đặc điểm này, nhà đầu tư đang ở giai đoạn thiên về các tài sản phòng thủ (tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm), giảm các tài sản tăng trưởng (cổ phiếu, bất động sản….). Do đó, lãi suất đã đạt đỉnh và đây là thời điểm để phân tích chi tiết từng tài sản, sản phẩm đầu tư.

Chờ đợi, quan sát với thị trường bất động sản

Về bất động sản, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực, nhà đầu tư nên lựa chọn trạng thái chờ đợi và quan sát thay vì tham gia vào thị trường.

Thị trường ngoại hối thì vẫn là “ẩn số” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục có những động thái gia tăng lãi suất.

Thị trường tiền gửi ngân hàng có dấu hiệu gia tăng khi các ngân hàng vẫn đua nhau tăng lãi suất huy động vốn, điều này sẽ tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Riêng đối với thị trường vàng, ông Hiếu nhận thấy khi lạm phát trên thế giới chưa được kiểm soát, giá vàng sẽ bị đẩy lên cao, vì vậy đây là thị trường sẽ có sự phát triển trong năm 2023.

 Tuy nhiên, hiện giá vàng Việt Nam vẫn cao hơn giá vàng thế giới, nên nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng khi tham gia vào thị trường này.

Thị trường chứng khoán được dự báo từ nay đến giữa năm 2023 chưa có dấu hiệu phục hồi và chưa thể trở lại mốc 1.500 điểm như năm 2022.

Tuy nhiên với mốc 1.000 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài, vì thế khả năng gia tăng trong nửa cuối năm 2023 là có thể xảy ra. 

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Dragon Capital nhận định: Nền kinh tế sắp tới sẽ rất năng động, doanh nghiệp cũng sẽ tự biết cách để giải bài toán của mình, Chính phủ cũng phải biết cách gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân. 

“Môi trường lãi suất cao 14-15% cũng sẽ không kéo dài lâu, kể cả với bất động sản bởi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tới nền kinh tế. Các nhà hoạt động chính sách cũng biết điều đó.

Vậy nên hãy đánh giá theo cách tích cực rằng thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán, sẽ có sự trở mình, mức lãi suất cao cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn”, ông Điền nói.

Nhà đầu tư cần biết mình đầu tư vào cái gì

Với kinh nghiệm kết nối đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực startup công nghệ blockchain, ông Hadi Maleab, Đồng sáng lập và CEO của Agora Group nhận định: 2022 là năm ảm đạm đối với không gian tài sản kỹ thuật số và blockchain, với các đồng tiền điện tử lớn bị rớt giá do một số công ty lớn như FTX sụp đổ làm rung chuyển ngành công nghiệp tiền điện tử. 

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, không gian tài sản kỹ thuật số sẽ vượt trội hơn các loại khác và tài sản kỹ thuật số luôn có những cơ hội tốt để đầu tư ở mọi thời điểm, miễn là nhà đầu tư xác định được lĩnh vực tham gia. 

“Tương tự như bất kỳ công cụ đầu tư khác, nhà đầu tư cần biết mình đang đầu tư vào cái gì, xem xét những ưu và nhược điểm để đưa ra quyết định sáng suốt”, ông Handi Maleab cho hay.

Còn ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Uỷ ban Web 3.0, Hiệp hội blockchain Việt Nam nhận định: Sau mỗi cuộc suy tàn sẽ là cơ hội tốt nhất để bắt đầu.

Blockchain là công nghệ mới, lĩnh vực mới, lượng nhà đầu tư trẻ hoá và lực lượng gia nhập thị trường hiện tại là nguồn vô tận, thị trường còn rất nhỏ, mới chỉ đạt tầm 1-2% kích thước thị trường chứng khoán Mỹ.

Lượng tiền mặt thực tế trong thị trường tầm 137 tỷ USD hiện tại nên khả năng mở rộng của thị trường trong 5-10 năm tới là điều chắc chắn.

Tọa đàm “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do báo Đầu tư tổ chức ngày 7/2 tại Hà Nội – Ảnh: VGP.

Rủi ro với những lĩnh vực đầu tư chưa được quy định trong pháp luật

Cập nhật những những quy định mới và giải đáp về hành lang pháp lý cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL chia sẻ: Trong quá trình tư vấn, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các lĩnh vực chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, như blockchain hoặc các sàn giao dịch điện tử. 

“Khẩu vị của nhiều nhà đầu tư Việt Nam là bỏ qua yếu tố pháp lý mà chỉ chú trọng tới lợi nhuận. Bởi vậy, có những lĩnh vực đầu tư, mặc dù quy định pháp luật chưa rõ ràng nhưng lại thu hút lượng lớn nhà đầu tư. Khi quyết định đầu tư cần phải thông minh, cần xác định tư cách pháp nhân của các chủ thể, giấy phép kinh doanh của họ. 

Nếu tham gia vào các lĩnh vực đầu tư chưa được quy định trong pháp luật thì đồng nghĩa các nhà đầu tư phải chịu những rủi ro và không được bảo vệ.

Khi đã tham gia vào các hoạt động này, đặc biệt là các hoạt động xuyên biên giới, nhà đầu tư cần tìm hiểu về pháp nhân đầu tư để trường hợp nếu như pháp luật Việt Nam không bảo hộ được thì có thể khởi kiện tại quốc gia pháp nhân đó đặt trụ sở kinh doanh”, luật sư Khương chia sẻ.

Mặt khác, luật sư Khương cũng cho rằng, trong 2 năm vừa qua, nhiều quy định liên quan đến những lĩnh vực xuyên biên giới đã có sự cải tiến.

Đơn cử như Facebook, Google đã chịu đóng thuế dịch vụ quảng cáo. Luật An ninh mạng về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng khiến cho hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có thay đổi. 

“Bên cạnh đó, cũng có những lĩnh vực chưa kiểm soát được và cần thêm thời gian, như blockchain mới đang manh nha tiếp cận.

Tôi nghĩ rằng tương lai hệ thống pháp luật nên có sự thay đổi để kéo các đơn vị đầu tư xuyên biên giới hiện diện tại Việt Nam, qua đó áp dụng các chế tài bảo vệ người tham gia và khởi kiện khi cần thiết”, luật sư Phạm Duy Khương thông tin.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Phan Trang

 

 

Bài viết mới