Thứ Năm, 09/05/2024, 4:37

Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên

Xem thêm

Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên vừa tổ chức hội thảo nêu định hướng, tầm quan trọng của thử nghiệm, kiểm nghiệm, bảo vệ quyền lợi người dùng.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên” với sự có mặt của các đại diện Bộ Y tế, Cục quản lý Y dược học cổ truyền, Hội nữ trí thức Việt Nam, Hội đông y Việt Nam, Viện khoa học kỹ thuật Chăn nuôi Việt Nam, Viện Y dược cổ truyền… Ngoài ra còn có trung tâm kiểm nghiệm và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ thiên nhiên.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP), sự phát triển nhanh chóng các sản phẩm thiên nhiên là cơ hội nhưng cũng tạo nên áp lực lớn cho các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách. Đây là thách thức cho các tổ chức khoa học khi xây dựng các công cụ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng các sản phẩm từ thiên nhiên. Các doanh nghiệp cũng gặp thách thức này trong việc tạo nên các sản phẩm khác biệt, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Các khách mời tham dự hội thảo vào ngày 13/7.

Các khách mời tham dự hội thảo vào ngày 13/7.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Oanh – Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IDROP) cho biết, chất lượng của các sản phẩm từ thiên nhiên tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong quá trình tham gia hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm, thử nghiệm, kiểm nghiệm là công cụ hữu hiệu bởi tính độc lập, khách quan, chính xác thông qua phương tiện khoa học, quy trình thao tác trên hệ thống thiết bị tiên tiến.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Oanh phát biểu tại hội thảo vào ngày 13/7.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Oanh phát biểu tại hội thảo vào ngày 13/7.

Tại hội thảo, các chủ đề về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng được đề cập. Người sản xuất kinh doanh cũng có trách nhiệm nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, nâng cao sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Theo các đại biểu trong hội thảo, doanh nghiệp cần quản lý chất lượng sản phẩm vì chất lượng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, sự trung thành của khách hàng, tạo ra các sản phẩm tốt. Điều này cũng giúp khắc phục các tình trạng sửa chữa hoặc loại bỏ được sản phẩm hỏng.

Lợi ích của việc công bố và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mang lại những lợi ích, ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, duy trì ổn định chất lượng cho nhà sản xuất. Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và yên tâm sử dụng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nghị – Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IDROP), các tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho các sản phẩm thiên nhiên, các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong suốt quá trình sản xuất nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sản phẩm tại nhà máy cần được đảm bảo. Hệ thống quản lý chất lượng GACP-WHO đang được áp dụng rộng rãi tại các vùng nguyên liệu để tạo ra các loại nguyên liệu chất lượng cho quá trình sản xuất.

Tại các nhà máy, hệ thống quản lý chất lượng thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành bảo quản thuốc tốt (GSP), thực hành tốt phân phối (GDP) được quy định áp dụng cho toàn bộ các cơ sở sản xuất sản phẩm dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP, ISO17025:2017.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nghị chia sẻ về các tiêu chí đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nghị chia sẻ về các tiêu chí đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm từ thiên nhiên, khoa học công nghệ trong chiết xuất, phân lập, xác định hàm lượng và đánh giá hoạt tính và độc học giữ vai trò quan trọng. Khoa học trong việc phát triển các phương pháp kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm đạt được nhiều kết quả góp phần đánh giá, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thiên nhiên.

Các tham luận tại hội thảo cùng nêu lên tầm quan trọng của thử nghiệm, kiểm nghiệm trong đánh giá chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tham luận cũng mô tả thực trạng, một số yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động thử nghiệm, kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên nói riêng. Trong các yếu tố được đề cập: chính sách, con người, thiết bị và trình độ khoa học thì yếu tố chính sách được nhấn mạnh với nội dung về hệ thống văn bản và đầu tư.

(Nguồn: IDROP)

Bài viết mới