Thứ Hai, 29/04/2024, 15:31

Bức tranh tài chính của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị công bố sai phạm

Xem thêm

Trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị công bố sai phạm, có một doanh nghiệp đã thua lỗ 9 năm liên tiếp với khoản lỗ luỹ kế lên tới 4.575 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm ngân hàng bao gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV MetLife. Tuy nhiên, trong 4 doanh nghiệp bị thanh tra, không phải doanh nghiệp nào cũng ghi nhận tình hình kinh doanh tích cực.

Prudenital lãi lớn nhưng thị phần đang dần sụt giảm

Năm 2022, tổng doanh thu của Prudential đạt 34.610 tỷ đồng trong đó, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm 30.557 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính hơn đạt 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Prudential đạt 3.636 tỷ đồng, gấp khoảng 7,7 lần so với lợi nhuận năm 2021.

Nguyên nhân là do công ty đã giảm mạnh khoản chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (giảm 33%) trong đó tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm giảm 37%.

Báo cáo tài chính năm 2022 của Prudential cho thấy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế so với doanh thu thuần đạt 11,91%, tăng mạnh so với mức 1,67% của năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn sở hữu đạt 18,78%, gấp hơn 6 lần so với năm 2021.

Bức tranh tài chính của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị công bố sai phạm

Prudential lãi 3.600 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo Prudential, năm 2022, công ty đã chi trả bảo hiểm gần 9.600 tỷ đồng cho hơn 2,1 triệu khách hàng – tăng 11% so với năm 2021 và chiếm 1/4 thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Về thị phần, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022, Prudential có thị phần đứng thứ 3 trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với 16,91%, đứng sau Bảo Việt Nhân Thọ và Manulife. Mặc dù vẫn nằm ở vị trí thứ 3 nhưng thị phần của Prudential lại giảm dần kể từ năm 2015 đến nay (từ mức 29% giảm về 18% năm 2021).

Lợi nhuận MB Ageas vẫn lao dốc dù doanh thu bảo hiểm tăng mạnh

Năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 6.395 tỷ đồng, tăng 760 tỷ đồng so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 64 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 lợi nhuận năm 2021.

Dù doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 760 tỷ đồng nhưng nhiều loại chi phí của MB Ageas tăng mạnh như chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 145 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính cũng tăng từ 25 tỷ đồng lên mức 292 tỷ đồng. Tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng vọt năm 2022 của doanh nghiệp tăng lên tới 763,8 tỷ đồng.

Bức tranh tài chính của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị công bố sai phạm

MB Ageas ghi nhận tăng trưởng âm trong năm 2022.

Các khoản đầu tư của MB Ageas gồm tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ quỹ, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và khoản uỷ thác đầu tư chứng khoán. Trong đó, đáng chú ý, tại mảng đầu tư chứng khoán của tài khoản uỷ thác, doanh nghiệp này ghi nhận lên tới 93 tỷ đồng, trong khi năm 2021 con số này chỉ ở mức 2,8 tỷ đồng.

Sun Life lỗ luỹ kế gần 1 thập kỷ

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Sun Life Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 5.173 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kì, doanh thu hoạt động tài chính đạt 510 tỷ đồng, tăng 4%.

Dù doanh thu hoạt động bảo hiểm tăng nhưng Sunlife vẫn phải gánh khoản lỗ sau thuế hơn 1.469 tỷ đồng (cùng kì lỗ gần 1.445 tỉ đồng).

Đáng chú ý, từ thời điểm đặt chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam đến nay (năm 2013), chỉ riêng năm đầu tiên Sun Life Việt Nam có lãi 36 tỷ đồng, 9 năm tài chính còn lại Sun Life Việt Nam đều báo lợi nhuận âm. Việc thua lỗ liên tiếp khiến Sunlife Việt Nam gánh khoản lỗ luỹ kế xấp xỉ 4.575 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022.

Bức tranh tài chính của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị công bố sai phạm

Sun Life lỗ luỹ kế 9 năm liên tiếp.

Mặc dù đang gánh lỗ luỹ kế, năm 2022, Sun Life mạnh tay chi đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ đại lý lên tới 21 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021. Chi khen thưởng hỗ trợ đại lý tăng 719 tỷ đồng so với năm 2021.

BIDV Metlife lãi gấp đôi dù không có hợp đồng bancassurance độc quyền

Năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife báo doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.758 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng số tiền chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm ở mức 1.013 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của BIDV Metlife đạt 85,2 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước dù chưa ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với các ngân hàng khác.

Bức tranh tài chính của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị công bố sai phạm

Năm 2022, BIDV MetLife lãi gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập tài chính của BIDV Metlife gồm tiền lãi từ trái phiếu, lãi tiền gửi. Cuối năm 2022, công ty có 12 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, gấp gần 3 lần so với đầu năm. Tiền gửi ngắn hạn 1.719 tỷ đồng. Với đầu tư dài hạn, BIDV Metlife gửi có kỳ hạn 1.424 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu Chính phủ 843 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng 320 tỷ đồng.

Theo Kiến thức Đầu tư

Bài viết mới