Thứ Năm, 02/05/2024, 8:22

‘Bình thường mới’ sau thiên tai

Xem thêm

Thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến bất thường, chính vì vậy cần có những phản ứng nhanh trong tái thiết sản xuất để kịp thời khôi phục đời sống cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của liên tiếp những trận bão, lũ vừa qua.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Đây là trao đổi của ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) , Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, với phóng viên Báo điện tử Chính phủ xung quanh việc ứng phó với thiên tai và hỗ trợ người dân bảo đảm an sinh, an toàn trong thời điểm này.

* Trước hết, xin ông cho biết thông tin về cơn bão số 13 và việc ứng phó được chuẩn bị như thế nào?

– Ông Trần Quang Hoài: Đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, có khả năng đi dọc tuyến biển từ Bình Định đến Thanh Hóa – là khu vực đã bị tổn thương rất lớn do các đợt bão, lũ liên tiếp vừa qua.

Khả năng bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong sáng ngày 15/10 (Chủ nhật). Trường hợp bão đổ bộ vào ban đêm thì triều ở mức cao (tại cửa Gianh: 1,9 m). Sóng biển cao từ 4-6 m, vùng tâm bão cao từ 8-10 m.

Ngoài ra, tác động của nước dâng do bão làm hạn chế thoát lũ đang xảy ra tại một số cửa sông, làm gia tăng ngập lụt và kéo dài, như sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Hiện các địa phương đang kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền trên biển, có hướng dẫn và yêu cầu đến các nơi an toàn với các phương tiện hoạt động trên biển.

Đến tối ngày 13/11, đã có 8 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định ra lệnh cấm biển, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có kế hoạch di dời 86.000 hộ dân/315.000 người, trong đó các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng đã di dời 833 hộ/2.975 người.

* Bão chồng bão, lũ chồng lũ, vậy việc đảm bảo an toàn và tái thiết đời sống cho bà con được thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Ông Trần Quang Hoài: Để ứng phó với hậu quả của các đợt thiên tai trước và ứng phó với cơn bão số 13, Bộ NN&PTNT đã cử các đoàn công tác đến các địa phương để hướng dẫn việc phục hồi, tái thiết sản xuất cũng như ứng phó với thiên tai sắp tới.

Cùng với hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì Chính phủ đang tập trung nguồn lực rất lớn cho việc tái thiết miền Trung sau thiên tai.

Đầu tiên phải đảm bảo an toàn cho người dân, hiện nay còn nhiều người dân phải ở các khu trú tránh tạm thời, chưa có nhà đảm bảo an toàn. Không những ở khu vực sạt lở đất, lũ quét mà còn phải đảm bảo cho dân ở khu vực nguy cơ ảnh hưởng bão và ngập lụt ở dải ven biển và tuyến đảo.

Cơ sở hạ tầng cũng đang bị thiệt hại nặng nề, khôi phục việc này cần phải bền vững. Thiên tai lớn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn nên chúng ta cũng luôn phải chuẩn bị các trạng thái “bình thường mới” của thiên tai.

* Còn về tình hình ứng phó với thiên tai, hiện Ban chỉ đạo đang tập trung trọng yếu vào những biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người dân?

– Ông Trần Quang Hoài: Hiện chúng tôi thường xuyên cung cấp thông tin bằng các hệ thống truyền hình, đài báo, nhắn tin… từ Trung ương đến địa phương. Luôn có hướng dẫn cụ thể từng vùng, từng khu vực cho các tuyến từ miền biển đến miền núi, các công việc cụ thể đã được thông tin đến các địa phương để triển khai.

Thời gian qua cho thấy rõ khi thiên tai xảy ra chúng ta đã nhanh chóng thực hiện các công việc của các lực lượng khá đồng bộ: Từ chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, đến đảm bảo an toàn giao thông, liên lạc…

Rộng hơn, trong nhiều năm qua, chúng ta rất nỗ lực cho dự báo, chất lượng dự báo được nâng lên, đặc biệt là dự báo mưa rất cụ thể. Như hiện nay, các điểm xảy ra sạt lở lớn như Rào Trăng, Trà Leng… đều được dự báo chi tiết về lượng mưa.

Ngoài ra chúng ta đã có tới gần 2.000 trạm đo mưa tự động, đây là nguồn lực quý để người làm dự báo có được các thông số thống kê chi tiết để có thể tiệm cận dự báo đến thực tế….

* Trở lại với việc hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau thiên tai, xin ông cho biết cụ thể hơn về công tác ứng cứu của ngành nông nghiệp với miền Trung hiện nay?

– Ông Trần Quang Hoài: Mới đây đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã vào miền Trung để kiểm tra và có những chỉ đạo sản xuất cụ thể. Theo đó, trước mắt, chăn nuôi gia cầm được chú trọng khôi phục trong thời gian tới, vì có chu kỳ sản xuất ngắn.

Theo tính toán, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh…

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.

Tính đến ngày 10/11, Bộ NN&PTNT đã huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, gồm: Giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi…

Ước tính giá trị hỗ trợ gần 150 tỷ đồng. Trong đó, về chăn nuôi là gần 1,1 triệu con gà giống, 17.000 con vịt giống, 2.000 con ngan giống, 300 tấn thức ăn, 300 triệu tiền thuốc thú y, 85.000 lít và 120 tấn hóa chất khử trùng, 2,312 triệu liều vaccine và 23 lớp tập huấn.

Về thủy sản là 26 triệu con giống tôm và 70 tấn thức ăn. Giống cây trồng 13 tấn hạt giống; 20 tấn gạo và 200 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã phát động và kêu gọi các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, AHA, UNDP, UNICEF…) và Đại sứ quán một số nước (Hoa Kỳ, Hàn Quốc…) hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 10,18 triệu USD (tương đương 237 tỷ đồng) để hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn do thiên tai, bão lũ…

* Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cổng TTĐT Chính phủ – Đỗ Hương

Link gốc

 

 

 

 

Bài viết mới