Thứ Hai, 06/05/2024, 8:28

Bình Dương tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất

Xem thêm

Tỉnh đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Theo thống kê, tính đến ngày 15/7, tỉnh thu hút 52.472 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (tăng 16,5% so với cùng kỳ) nhưng có 55 doanh nghiệp giảm vốn hơn 2.300 tỷ đồng và 366 doanh nghiệp giải thể vốn hơn 2.700 tỷ đồng.

Các chỉ số về sản xuất công nghiệp nhìn chung tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp khai khoáng, sản xuất và phân phối điện khí đốt có chỉ số giảm. Các ngành còn lại giữ mức tăng nhưng không quá cao.

Tỉnh đánh giá khó khăn kinh tế nằm ở lĩnh vực xuất nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu.

Trong báo cáo tại cuộc họp cuối tháng 7, lãnh đạo tỉnh cho biết kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 15,1 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu 10,7 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ.

Một góc Khu công nghiệp VSIP II tại Bình Dương. Ảnh: VSIP

Một góc Khu công nghiệp VSIP II tại Bình Dương. Ảnh: VSIP.

Trước tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, để hỗ trợ phục hồi và phát triển, tỉnh Bình Dương đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận vốn vay. bảo đảm an sinh xã hội.

Ngoài ra, tỉnh còn có các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới…Tỉnh cũng xây dựng cơ chế đối thoại để đồng hành với doanh nghiệp.

Bình Dương còn lập tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, hệ thống báo cáo trực tuyến để trao đổi, nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến nay, Bình Dương tổ chức được 6 cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn. Tỉnh tiếp nhận hơn 170 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, phối hợp với các sở, ngành để giải quyết.

Theo lãnh đạo tỉnh, để sản xuất kinh doanh tăng trưởng đúng kỳ vọng, địa phương cần trao đổi nhiều hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời tiếp tục thu hút, mời gọi các dự án mới.

Thời gian tới, Bình Dương cho biết sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Tỉnh dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp nộp hồ sơ, thủ tục qua mạng và chuyển trả kết quả qua đường bưu điện. Thúc đẩy số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công cũng là cách cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bên trong một xưởng sản xuất tại Bình Dương. Ảnh: baobinhduong

Bên trong một xưởng sản xuất tại Bình Dương. Ảnh: baobinhduong.

Về vốn vay, theo ông Lai Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãi suất vay vốn hiện nay từng bước giảm nhưng việc tiếp cận của doanh nghiệp gặp khó khăn như vay tín chấp trên phương án, dự án phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa có được phương án kinh doanh tốt do chưa có đơn hàng xuất khẩu…

Giải pháp của tỉnh là kiến nghị các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Tỉnh cũng cho biết sẽ phối hợp nhiều bên để tổ chức các chương trình kết nối với các đơn vị quốc tế, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đơn hàng.

Các công trình trọng điểm giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, Bình Dương đã phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành. Các dự án Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng sẽ được nâng cấp mở rộng.

Theo baobinhduong

 

 

 

Bài viết mới