Bên cạnh những lời khen, dù mới lên sóng nhưng phim “Bão ngầm” nhận không ít lời chê của khán giả. Phim có nhiều tình tiết được cho là vô lý, chưa thuyết phục và lồng tiếng không hấp dẫn.
Cảnh thiếu úy Hạ Lam bắn súng gây thắc mắc cho người xem.
Khán giả “nhặt sạn”
“Bão ngầm” đang là bộ phim Việt nổi bật ở thời điểm hiện tại, được chiếu vào khung giờ vàng trên kênh VTV1. Đây là câu chuyện về hành trình điều tra bóc gỡ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vạch trần bộ mặt thật của tên trùm tội phạm ẩn dưới vỏ bọc chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn.
Tác phẩm của đạo diễn Đinh Thái Thụy gây chú ý bởi nội dung phim khai thác yếu tố mạo hiểm vạch ra cả một thế giới với những tội ác, những nhân vật quái kiệt của cả hai phe chính và tà. Tuy nhiên, chỉ sau vài tập lên sóng, phim đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trên một số trang fanpage và bình luận phim, nhiều khán giả “nhặt sạn” những tình tiết được cho là vô lý. Cụ thể, trong phân đoạn tên phạm tội ngáo đá mất kiểm soát, thay vì sợ hãi khi chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng thì người dân xung quanh rất thản nhiên đứng nhìn vô cùng bình tĩnh.
Đúng lúc này, nữ chính Hạ Lam (Cao Thái Hà thủ vai) xuất hiện kịp thời, ra tay trấn áp. Chỉ dùng tay không nhưng thiếu úy cảnh sát đã dễ dàng khống chế và hạ gục được tên tội phạm điên loạn đầy nguy hiểm. Điều này được cho là gượng gạo, không đúng với thực tế.
Chưa kể, hình ảnh Hạ Lam khi tập luyện bắn súng đã gây thắc mắc cho khán giả. Cụ thể, trong tập phát sóng thứ hai của bộ phim, Hạ Lam đã nhắm mắt thuận với tay cầm súng gây nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, đây là tình tiết không hợp lý so với thực tế.
Cách xây dựng nhân vật ở cả hai phe chính – tà của biên kịch bị đánh giá là “cũ kỹ”, thậm chí là không thuyết phục. Nhất là về nhân vật phản diện, những ông trùm đường dây ma túy nguy hiểm. Họ như những ông vua của cả một vùng, ngang nhiên lộng hành, thẳng thừng động tay, động chân.
Thậm chí là giết người mà chẳng người dân nào dám lên tiếng. Sự thống trị một cách độc đoán này, điển hình là A Chư, là một điều cực kỳ vô lý.
“Giang hồ giờ họ cư xử tỏ ra lịch sự lắm”; “Thời này làm gì có chuyện xưng hùng xưng bá cả vùng đâm chém loạn lên thế thì làm gì có dân nào dám ở”… là những bình luận của nhiều người về nhân vật phản diện.
Chưa kể đến đoạn các cô giáo cắm bản khi bị giang hồ gọi lên thì rất cứng rắn. Điều này không hợp với tâm lý thông thường của con người. Hai cô giáo sẵn sàng đáp trả mà không hề lo lắng, sợ sệt.
Nhiều khán giả nhận định phim cảnh sát sẽ không tránh khỏi những phân đoạn nguy hiểm. Tuy vậy, tác phẩm được phát sóng trên khung giờ vàng, trẻ em cũng có thể xem được. Trong khi đó phim có nhiều cảnh nguy hiểm vẫn khiến người xem ái ngại.
Tuy phát sóng giờ vàng trên VTV, nhưng phim chứa quá nhiều cảnh quay bạo lực, máu me, đâm chém. Đặc biệt là chi tiết các băng đảng giang hồ trả thù khá rùng rợn, cảnh nổ súng, hành động gây ám ảnh.
Hơn nữa, phim xây dựng khá nhiều tình huống, cảnh quay gay cấn, nguy hiểm để làm nổi bật lên những khó khăn của lực lượng công an về cuộc chiến chống tội phạm. Thế nhưng, những cảnh này lại chưa hợp lý khiến người xem cảm thấy gượng gạo, không hài lòng.
Ngoài ra, khâu lồng tiếng được nhận xét là “thảm họa” của bộ phim. Nhất là đối với nhân vật thiếu úy Hạ Lam do Cao Thái Hà đóng. Nhiều người cho rằng, việc lồng tiếng không khớp khiến thoại nữ chính không tự nhiên, mất đi cái thần thái vốn có mà diễn viên mang lại.
Khán giả chia sẻ: “Lồng tiếng cho Cao Thái Hà chán quá, nhìn nghe chả ăn khớp nhau, giá như để thu trực tiếp sẽ toát được vẻ mạnh mẽ của diễn viên”; “Quy mô lớn phim hoành tráng nhưng lồng tiếng quá chán”; “Lồng tiếng chả có cảm xúc gì”… là những lời chê của khán giả trên các nhóm yêu phim Việt.
Theo đó, vì có sự kết hợp diễn viên hai miền lại chiếu trên VTV, nên nhà sản xuất đã quyết định lồng tiếng cho một số nhân vật. Mục đích để đem đến sự đồng bộ và cảm giác dễ chịu, dễ hiểu cho người xem. Tuy nhiên, phương pháp này lại phản tác dụng khiến nhân vật trở nên thiếu tự nhiên, không hề khớp với khẩu hình, lẫn tinh thần của cảnh quay.
Phim “Bão ngầm” đang thu hút đông đảo người xem.
Lời chê là sự quan tâm, kỳ vọng
Nói về những nhận xét của người xem, nhà văn, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – tác giả kịch bản của bộ phim – cho rằng, đó cũng chính là sự quan tâm, kỳ vọng của khán giả.
Với tình tiết bắn súng nheo mắt phải và bàn tay phải, ông cho rằng, đây không phải lỗi kỹ thuật và không nói lên điều gì. Bởi lẽ, trong quy trình thao tác và sử dụng súng, người bắn tay nào sẽ mở mắt tay đó. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết là chuẩn mực. Bởi lẽ không có quy định nào bắt buộc người bắn tay phải sẽ phải mở mắt phải. Do đó, không thể đánh giá đây là lỗi của diễn viên trong quá trình diễn xuất.
Còn về những cảnh quay bạo lực, đây là bộ phim thuộc thể loại phim cảnh sát hình sự. Phim miêu tả những chiến công hào hùng của lực lượng cảnh sát nhân dân và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ trinh sát. Do đó, không thể thiếu đi quá trình đấu tranh với thế giới tội phạm của người chiến sĩ. Đó là hiện thực vẫn diễn ra hàng ngày, thậm chí còn dữ dội hơn những gì bộ phim phản ánh.
“Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề khiến tôi cảm thấy nuối tiếc như việc phải lồng tiếng cho các diễn viên miền Nam để phù hợp với bối cảnh và nội dung của phim. Cùng với đó là một số vai diễn nhỏ của các diễn viên quần chúng vẫn mang tính chất học thuộc kịch bản. Đây là những điểm gợn nhỏ của bộ phim. Qua đây, tôi mong rằng khán giả có thể cảm thông và tiếp tục ủng hộ bộ phim trong thời gian sắp tới”, tác giả kịch bản nói.
Bên cạnh những lời chê, phim cũng nhận được nhiều lời khen của khán giả. Đây được cho là bộ phim đầu tư lớn, cảnh quay đẹp, quy mô, nội dung phim cũng cuốn hút người xem… Vì vậy, người xem cho rằng cần tiếp tục theo dõi để thấy được tinh thần mà “Bão ngầm” truyền tải đến xã hội.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Tùng Bách