Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến vùng đất nổi tiếng với phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, những cánh đồng hoa tam giác mạch phủ tím từ thung lũng đến bản làng, hòa quyện cùng với bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao đầy màu sắc.
Nằm trong khu vực vùng núi cao phía Bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang có quần thể núi non hùng vĩ với độ cao trung bình từ 800 m đến 1.200 m, đặc biệt có nhiều dãy núi độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển.
Đó chính là lý do khiến vùng núi Hà Giang luôn có nhiệt độ trung bình thấp hơn hàng chục độ C so với vùng đồng bằng.
Rời thành phố khoảng chừng 20 phút theo quốc lộ 4C, xe bắt đầu lên đèo, đối với những ai như tôi chưa lên Hà Giang bao giờ thì những khúc cua gấp uốn lượn quanh các dãy núi làm tôi có đôi phần sợ hãi. Nhưng sự hùng vĩ của cao nguyên đá đã xua tan đi những lo lắng thoảng qua ấy.
Được ngồi cạnh bác tài xế vùng cao, với đôi tay mềm mại đang uốn lượn quanh những khúc cua bên dòng sông Lô xanh mướt.
Điểm đến của chuyến đi này là huyện Đồng Văn, một huyện núi cao phía bắc của tỉnh Hà Giang, nơi có Cột cờ Lũng Cú, là điểm cực bắc của Tổ Quốc.
Xe lăn bánh tới địa phận huyện Quản Bạ, từ đây sự lo lắng có phần tăng lên gấp đôi bởi những khúc cua lớn có độ dốc thật sự cao của đèo mới bắt đầu. Có những đoạn đèo cao dài tới hàng chục kilomet, bác tài xế chỉ có thể cài số 1 và chầm chậm lên đèo. Một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu hun hút.
Nó sâu đến nỗi cảm giác nếu như ném một thứ gì đó xuống thì sẽ không bao giờ lấy lại được. Hai bên sườn núi, thấp thoáng có những căn nhà của đồng bào các dân tộc nơi đây và chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Thoảng trong đầu tôi không thể hình dung nổi tại sao với núi cao trùng trùng, điệp điệp như vậy mà con người có thể lên đó làm nhà và sinh sống từ đời này qua đời khác. Những căn nhà không lớn nhưng đủ cho một tổ ấm trọn vẹn.
Trên mỗi nóc nhà làn khói trắng bốc lên nghi ngút hòa quyện với sương mù dày đặc tạo nên những tuyệt tác quyến rũ mà những vùng đất khác khó thể nào có được.
Trước vẻ mặt ngơ ngác của tôi như lần đầu tiên lên những cung đèo của các huyện phía bắc Hà Giang là sự tinh ý của bác tài xế với kinh nghiệm lái xe lâu năm, chở biết bao nhiêu hành khách, khi tới hai ngọn núi đôi, bác chỉ thẳng tay xuống thung lũng đồng thời liến thoắng sang sảng giới thiệu thung lũng Tam Sơn thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ.
Thật đúng là tạo hóa đã ban tặng cho Tam Sơn hai quả núi kế nhau hình dáng như bộ ngực của người con gái; thường được gọi là núi Đôi hay núi Cô Tiên. Hai ngọn núi có chu vi khoảng 1kilomet ngay trong lòng thung lũng.
Hết địa phận huyện Quản Bạ lái xe khách hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về hòn đá cô đơn trên nằm ngay trên quốc lộ 4C và từ địa điểm ấy là địa giới hành chính của huyện Yên Minh.
Tới đoạn đường này địa hình có vẻ dễ chịu hơn đôi chút. Thế nhưng, có một điều tôi cảm thấy rõ rệt nhất đó là nhiệt độ đã giảm đi khá nhiều so TP. Hà Giang.
Cái lạnh chính đông như muốn cắt da cắt thịt tất cả các du khách. Phải nói rằng chúng tôi thật sự sững sờ trước khung cảnh hùng vĩ của những dãy núi đá trên cao nguyên này. Khi lên cao, chúng tôi nhiều lúc phải nhắm mắt không dám nhìn xuống dưới vực sâu.
Thấp thoáng bên sườn núi là những vạt nương hoa tam giác mạch phủ tím từ thung lũng đến bản làng e ấp như những cô gái vùng sơn cước dưới tán rừng Xa Mộc thẳng đứng như tính cách của những người đàn ông người Mông bản xứ.
Đi thêm vài chục cây số nữa, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến thị trấn Đồng Văn. Lúc này trời đã chập choạng tối, khi vừa xuống xe trước mắt chúng tôi là một thị trấn nhỏ không đông đúc lắm nhưng nhà cửa san sát và khá khang trang, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú mọc lên san sát.
Rảo bước chậm chậm có anh xe ôm tới hỏi, tôi nói đi vào Đồn Biên phòng Lũng Cú (xã Ma Lé). Sau một hồi ngã giá chúng tôi lên xe và tiếp tục cuộc hành trình, chiếc xe Wave 110 của anh xe ôm người dân tộc Mông lao vút lên đèo.
Lúc này, nhiệt độ ngoài trời vào khoảng 3 độ C, cái lạnh tê tái quyện với những luồng gió thổi ra từ những vạt đá trên đỉnh đầu làm cho hai bên tai tôi như muốn ù đi.
Ở cái miền biên viễn này chập choạng tối là không còn ai muốn ra đường, sương mù đã dày đặc chỉ cần cách xa khoảng vài chục mét là đã không nhìn thấy người đối diện.
Đến đây tôi chực nhớ ra những câu thơ trong tác phẩm nổi tiếng Tiếng hát con tàu của cố nhà thơ Chế Lan Viên:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”….
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Bùi Hợp