Chủ Nhật, 28/04/2024, 13:21

71% người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn trở về làm việc tại quê hương

Xem thêm

Khảo sát mới đây của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy 71% người Việt Nam sống ở nước ngoài đang tích cực xem xét khả năng quay trở lại quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới.

Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với ba quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cùng được thực hiện khảo sát lần này, bao gồm Indonesia (60%), Philippines (62%) và Singapore (58%).

Ông Phạm Tuấn Phúc – Giám đốc điều hành của Robert Walters Việt Nam.

Chia sẻ về những kết quả nổi bật của khảo sát, ông Phạm Tuấn Phúc – Giám đốc điều hành của Robert Walters Việt Nam cho biết: “Với mức tăng trưởng GDP dự kiến duy trì ở khoảng 6% trong trung hạn và ngày càng có nhiều công ty đạt doanh thu vượt qua 1 tỷ USD, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và nhân tài quốc tế.

Để khuyến khích và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài về quê lập nghiệp, từ năm 2014, Robert Walters Việt Nam đã khởi xướng sáng kiến “Come Home Phở Good”.

Đây là nỗ lực của chúng tôi trong việc đồng hành với doanh nghiệp nội địa dễ dàng tiếp cận nguồn nhân lực người Việt có trình độ cao, có kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ những cá nhân tài năng trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm tại quê hương.

Sáng kiến “Come Home Phở Good” đã thu hút sự quan tâm đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến quyết định của nhiều người Việt Nam đang ở nước ngoài, khi họ bắt đầu nghĩ về việc trở về Việt Nam.

Theo đó, khảo sát của chúng tôi cho thấy 60% trong số họ cho biết tình hình kinh tế sẽ ảnh hưởng đến quyết định có quay trở về Việt Nam hay không”.

Sự phát triển của nền kinh tế: Yếu tố then chốt thúc đẩy người Việt hồi hương

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, sự phát triển ổn định với nhiều lĩnh vực nổi bật trong nước đã giúp củng cố quyết định trở về đóng góp cho quê hương của một bộ phận lớn người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Robert Walters, trong số những người khảo sát cho rằng yếu tố kinh tế tác động tích cực đến họ, có đến 66% cho biết họ tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, và đây cũng là lý do quan trọng hàng đầu khiến họ lựa chọn quay về.

Trong khi đó, các chính sách được ban hành những năm gần đây của Chính Phủ nhằm khuyến khích khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cũng là một động lực cho việc trở về của người Việt đang định cư ở nước ngoài.

Những chính sách này góp phần tạo ra môi trường kinh tế sôi động và cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội cho người Việt Nam ở nước ngoài muốn khẳng định bản thân và góp phần vào sự phát triển của quê hương.

Ngoài ra, tỷ lệ giữa mức lương cao và chi phí sinh hoạt thấp tại Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với 44% người khảo sát (trên tổng số những người cho rằng yếu tố kinh tế tác động tích cực đến họ). Theo đó, việc trở về quê hương sẽ giúp họ có được một cuộc sống thoải mái và chất lượng hơn.

Mong muốn gắn kết với quê hương và khát khao trở về nhà

Ngoài những lý do kinh tế, khảo sát của Robert Walters cũng cho thấy có nhiều yếu tố then chốt khác làm tăng mong muốn quay về quê hương của người Việt ở nước ngoài. Cụ thể, 62% người được khảo sát cho rằng sự gắn kết về mặt cảm xúc, xã hội và văn hóa với Việt Nam thôi thúc họ trở về quê nhà – tăng 13% so với lần gần nhất được khảo sát vào năm 2021. Ngoài ra, 40% cũng cho biết họ muốn về nước để thuận tiện chăm sóc và gần gũi hơn với gia đình, người thân ở Việt Nam.

Có thể thấy, đứng trước quyết định “về hay ở”, người Việt ở nước ngoài không chỉ quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp hay thu nhập cao mà còn đề cao giá trị gia đình và quê quán. Đối với họ, việc trở về Việt Nam không chỉ là một quyết định kinh tế mà còn là một lựa chọn gắn với những yếu tố tinh thần.

Cơ hội cho doanh nghiệp trong nước thu hút nhân tài chất lượng cao

Với xu hướng người Việt ở nước ngoài trở về quê hương trong 5 năm tới, các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Khảo sát của Robert Walters cũng chỉ ra những yếu tố về công việc, mức lương và phúc lợi mà nhóm nhân lực này quan tâm.

Về mức lương, 27% người Việt Nam ở nước ngoài cho biết họ có thể chấp nhận giảm lương 30% hoặc ít hơn so với mức lương hiện tại nếu trở về. Trong khi đó, 26% cho biết họ muốn có mức lương phù hợp với kinh nghiệm và vai trò của họ cũng như mặt bằng chung của thị trường lao động.

Theo thứ tự ưu tiên, người Việt ở nước ngoài khi trở về Việt Nam mong muốn có cơ hội tham gia vào những dự án hấp dẫn, trải nghiệm thực tế và có trách nhiệm cụ thể trong công việc; mức lương và đãi ngộ hấp dẫn; văn hoá doanh nghiệp và phong cách lãnh đạo tạo điều kiện để nhân tài phát triển; cơ hội thăng tiến rộng mở; quy mô và tính chất của công việc, ngành nghề phù hợp… Nếu có thể đáp ứng được những nhu cầu này, doanh nghiệp trong nước có thể thu hút và giữ chân được những nhân tài này.

 Khảo sát của Robert Walters được thực hiện với sự tham gia của 380 người Việt Nam ở nước ngoài đến từ nhiều ngành nghề như: Công nghệ thông tin, Dịch vụ chuyên nghiệp, Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe, Năng lượng và Tái tạo, Bán lẻ… Khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người Việt ở nước ngoài có nguyện vọng trở về quê hương lập nghiệp, đồng thời đưa ra những gợi ý để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thu hút nhân tài chất lượng cao trong tương lai.

Để biết thêm thông tin và xem kết quả khảo sát hoàn chỉnh, vui lòng truy cập tại đây.

Robert Walters là một trong những công ty tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, tập trung vào việc bố trí các chuyên gia có năng lực cao vào các vị trí cố định, vị trí theo hợp đồng và vị trí tạm thời ở mọi cấp độ thâm niên.
Văn phòng tại Việt Nam chuyên tuyển dụng ứng viên trên cơ sở cố định hoặc hợp đồng trong các lĩnh vực và ngành nghề sau: kế toán & tài chính, ngân hàng & dịch vụ tài chính, pháp lý, nhân sự, công nghệ thông tin, bán hàng & tiếp thị, thư ký & hỗ trợ kinh doanh, chuỗi cung ứng, mua sắm & logistics cũng như y tế kỹ thuật.
Được thành lập vào năm 1985, Tập đoàn đã tạo dựng sự hiện diện trên toàn cầu tại 31 quốc gia và khu vực.

Anna Vi

Bài viết mới