Thứ Sáu, 29/03/2024, 20:19

2022: Năm thảm họa của thị trường tiền ảo

Xem thêm

Khi năm 2021 khép lại, bầu không khí của giới đầu tư tiền ảo tràn trề sự lạc quan: NFT dần được chấp nhận, Bitcoin lập kỷ lục hơn 69,000 USD và thị trường tiền ảo tăng nóng. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, tình cảnh đã thay đổi 180 độ.

Chủ đề chính của các cuộc bàn luận là sự sụp đổ của đế chế FTX cùng với nhà sáng lập Sam Bankman-Fried, hoặc liệu họ có thể rút lại tiền đang mắc kẹt ở các sàn tiền ảo đã phá sản hay không.

“Mùa đông tiền ảo” là cụm từ nhiều chuyên gia nhắc tới để mô tả cơn ớn lạnh đã đổ ập xuống thị trường tiền ảo trong năm 2022. Sau sự sụp đổ của đồng stablecoin TerraUSD, các tay chơi lớn trên thị trường đổ rạp xuống như domino: Three Arrows Capital, Voyager Digital, Celsius Network, FTX, BlockFi.

Những cú giáng mạnh mẽ liên tục dội vào thị trường và giá tiền ảo liên tục lao dốc. Bitcoin – đồng tiền ảo vốn hóa lớn nhất thế giới – đã lao dốc hơn 60%, dẫn đầu làn sóng bán tháo trên thị trường tiền ảo trong năm qua.

So với mức đỉnh xác lập vào tháng 11/2021, vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2 ngàn tỷ USD. Sam Bankman-Fried từng được xem là ông trùm ngân hàng John Pierpont Morgan của thời hiện đại, nay lại bị bắt giữ và đối mặt với hàng loạt cáo buộc hình sự. Giá của NFT cũng rơi rụng.

Một trong những nguyên lý trung tâm của tiền ảo và công nghệ blockchain là ý tưởng về phi tập trung hóa (decentralization) tức không có thực thể nào chịu trách nhiệm và không một người chơi nào có thể gây bất ổn cho phần còn lại.

Tuy nhiên, năm 2022 lại cho thấy điều ngược lại, nhiều hệ sinh thái tài sản ảo được kết nối với nhau và có mức độ tập trung hơn đáng kể so với tưởng tượng của nhiều chuyên gia.

Sau đây là những sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trên thị trường tiền ảo trong năm 2022:

Hệ sinh thái Terra và Luna sụp đổ

Hệ sinh thái Terra vận hành 2 đồng token chính: Đồng Luna và TerraUSD (UST) – một stablecoin được giữ ở mức 1 USD bằng cách duy trì lượng tiền pháp định bằng với lượng Luna đang có trong lưu thông.

Trong tháng 5/2022, UST bắt đầu không giữ được mức neo 1 USD. Cả đồng Luna và UST đều dần dần rơi về gần 0. Các cú sốc từ hệ sinh thái Terra lan rộng ra cả thị trường trong nhiều tháng sau đó.

Hiện Do Kwon, nhà sáng lập của hệ sinh thái Terra, đang bị Interpol truy nã trên toàn cầu.

Celsius phá sản sau Luna 2 tuần

Vào tháng 6, công ty cho vay tiền ảo Celsius cho biết họ sẽ đóng băng tất cả các khoản rút tiền của khách hàng với lý do công ty đang phải đối mặt với nhiều vấn đề vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt”.

Celsius, do Alex Mashinsky thành lập vào năm 2017, đã trở thành hãng cho vay tiền ảo lớn nhất thế giới sau khi cam kết sẽ lật đổ ngân hàng truyền thống và tạo cơ hội để những người dân bình thường tiếp cận tiềm năng của tiền mã hóa. Celsius nhận tiền ký gửi của khách hàng và cho vay, trong khi đưa ra mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng truyền thống.

Vào tháng 10/2021, CEO Alex Mashinsky nói rằng công ty cho vay tiền số này đang quản lý 25 tỷ USD giá trị tài sản. Thậm chí đến tháng 5/2022, dù giá tiền ảo lao dốc, công ty này vẫn cho biết đang quản lý khoảng 11.8 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, Celsius chỉ còn 167 triệu USD trong tay.

Ngày 13/07, Celsius nộp đơn xin phá sản tại New York, chỉ 2 tuần sau “thảm họa” Luna. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là việc các lãnh đạo bị cáo buộc rút tiền trước khi Celsius nộp đơn phá sản, bao gồm nhà sáng lập Alex Mashinsky, cựu giám đốc chiến lược Daniel Leon và giám đốc công nghệ Nuke Goldstein.

Quỹ đầu cơ tiền số 10 tỷ USD sụp đổ

Quỹ Three Arrows Capital đã đệ đơn phá sản tại một tòa án liên bang Manhattan (Mỹ) trong ngày 01/07. Ba ngày trước đó, tòa án tại Quần đảo Virgin (Anh) ra lệnh thanh lý tài sản khi quỹ không thể thanh toán khoản nợ 667 triệu USD với Voyager Digital.

Quỹ Three Arrows Capital mất ít nhất 400 triệu USD trong đợt lao dốc trên thị trường tiền ảo. Vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư tiền ảo này cũng góp phần châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường tiền ảo.

“Sự sụp đổ của Three Arrows Capital đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều công ty khác trong không gian tiền số, đặc biệt là những đơn vị mà quỹ đầu cơ này đã vay với số tiền khổng lồ”, Marcus Sotiriou, Chuyên viên phân tích tại GlobalBlock, cho hay.

Sàn FTX nộp đơn phá sản

FTX đã nộp đơn bảo hộ phá sản lên tòa án liên bang ở Delaware. Hồ sơ bao gồm cả chi nhánh tại Mỹ FTX.US, công ty Alameda Research của ông Bankman-Fried cũng như gần 130 công ty liên kết.

“Tôi đã phá hỏng mọi thứ”, ông Bankman-Fried nói với các nhà đầu tư. Đây là cái kết buồn với một người từng được xem là thần đồng của ngành tiền ảo. Trước đó, ông Bankman-Fried từng sở hữu khối tài sản lên tới 26 tỷ USD và được so sánh với ông trùm John Pierpont Morgan.

Vụ đổ vỡ của sàn tiền ảo FTX diễn ra sau 10 ngày nỗ lực giải cứu công ty của ông Bankman-Fried. Trước đó, hàng loạt khách hàng đổ xô rút tài sản ra khỏi sàn tiền ảo này sau khi xuất hiện lo ngại về tình hình tài chính của FTX và mối liên hệ giữa FTX và Alameda – một công ty cũng do Bankman-Fried sáng lập.

FTX đã ngừng dịch vụ rút tiền và lập tức tìm cách huy động vốn để giải quyết khủng hoảng thanh khoản. Binance từng có ý định muốn thâu tóm FTX, nhưng sau đó đã “lật kèo” và dẫn tới vụ đổ vỡ của FTX.

Cựu CEO FTX bị bắt với cáo buộc rửa tiền và lừa đảo

Ngày 13/12, người sáng lập sàn FTX Sam Bankman-Fried đã bị chính quyền Bahamas bắt giữ. Ở thời điểm đó, FTX và các chi nhánh đã nộp đơn xin phá sản, còn Sam Bankman-Fried đã xin từ chức Giám đốc điều hành.

Trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 13/12, Sam Bankman-Fried bị cáo buộc 8 tội danh và có thể ngồi tù tối đa 115 năm.

Theo bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn liên bang, nhà sáng lập và cựu CEO FTX đối mặt các tội danh: Âm mưu lừa đảo khách hàng; Lừa đảo khách hàng; Âm mưu lừa đảo người cho vay; Gian lận đối với người cho vay; Âm mưu lừa đảo về chứng khoán; Âm mưu lừa đảo hàng hóa; Âm mưu rửa tiền; và Âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ và vi phạm luật tài chính.

Theo bản cáo trạng dài 14 trang, Bankman-Fried đã âm mưu với những người khác để thực hiện nhiều kế hoạch, bao gồm cả việc lạm dụng tiền gửi của khách hàng vào sàn giao dịch FTX để chuyển sang quỹ phòng hộ Alameda Research, sau đó thực hiện những dự án không minh bạch cũng như tiêu xài riêng cho cá nhân.

Các công tố viên gọi Alameda Research là “con heo đất cá nhân” của Bankman-Fried. Ông đã sử dụng các khoản tiền gửi vào đó để mua bất động sản và căn hộ đắt tiền cũng như chi tiêu như thể là tài sản riêng.

Cũng theo cáo trạng, Bankman-Fried đã chuyển “hàng tỷ USD” từ FTX sang Alameda Research, ngay cả khi công ty bắt đầu phá sản. Gurbir Grewal, Giám đốc Thực thi của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, nói cựu CEO FTX “đã khoác lên mình vẻ ngoài của sự tôn trọng và an toàn, nhưng vỏ bọc mỏng manh đó là lừa đảo”.

Trong khi đó, luật sư Damian Williams nhận xét Bankman-Fried “có thể thực hiện hành vi gian lận khi mặc quần đùi, áo phông và tắm nắng”.

Nhà sáng lập FTX cũng bị tố vi phạm luật bầu cử liên bang bằng cách gửi hàng chục triệu USD quyên góp chính trị cho các ứng cử viên và các ủy ban gây quỹ chung giai đoạn 2020 – 2022. Đây là hành động vượt giới hạn pháp lý của liên bang và dưới danh nghĩa của người khác.

Nếu bị kết án tất cả các tội danh, Bankman-Fried có thể nhận tối đa 115 năm tù. Dù vậy, theo CNN, nhiều khả năng điều này sẽ không xảy ra.

Binance bị rút vốn hàng loạt, nhà đầu tư nghi ngờ

Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, Binance đang bị giám sát chặt chẽ sau sự sụp đổ của đối thủ FTX. Số tiền rút ra của sàn đã đạt 6 tỷ USD trong vòng 72 giờ trong tháng 12.

Đã có những lo ngại rằng nền tảng này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản vì token Binance gốc đang bị bán tháo mạnh.

Binance đã có động thái trấn an những nghi ngờ này bằng cách thuê công ty kế toán Mazars của Pháp kiểm toán bằng chứng dự trữ cho các khoản tiền điện tử của mình.

Tuy nhiên, theo Reuters, hồ sơ tài chính của Binance giống như một “hộp đen” vì các thông tin về tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và lượng dự trữ tiền mặt không hề được công khai.

CEO CZ chia sẻ vào tháng 6 rằng tổng giá trị giao dịch trên sàn trong năm 2021 đạt 34,000 tỷ USD. Ông cho biết thêm, 90% doanh thu của Binance phụ thuộc vào giao dịch tiền điện tử. Ông cũng chia sẻ rằng công ty đang có lãi và có “kho dự trữ tiền mặt khá lớn”.

Theo vietstock.vn – Vũ Hạo

 

 

Bài viết mới