Thứ Năm, 25/04/2024, 22:23

TP HCM đề xuất 5 nhóm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ

Xem thêm

Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của TP.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương. Về phía lãnh đạo TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các lãnh đạo Thành phố (TP) và lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự. Buổi làm việc được hình thành trên tinh thần đề xuất của TPHCM và tại đây Thường trực Chính phủ sẽ có phần thảo luận dựa trên báo cáo đề xuất của Thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai.

Chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển dài hạn

Báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2021, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đã kiểm soát được dịch Covid – 19, thực hiện mục tiêu kép, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Kết quả 4 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu tích cực với nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các hoạt động văn hóa xã hội được tổ chức trang trọng, chu đáo xen kẽ những thời điểm dịch bệnh ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân TP. Thành phố cũng đã làm tốt công tác đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Về công tác phòng chống dịch Covid-19, TPHCM quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện thần tốc, quyết liệt, đồng bộ và chủ động, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch”. “TP xác định đây là cuộc chiến thực sự, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển dài hạn” – Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Theo đó, TP giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, kết hợp hài hòa phòng ngự và tấn công, tấn công là chính. Công tác tiêm vắc xin cũng được TP tiến hành triển khai nhanh chóng. Đến nay, TP đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 59.000 người. TP cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép chủ động mua vaccine từ nguồn kinh phí của TP và xã hội hóa.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nêu ra các giải pháp phòng, chống dịch tương ứng với 6 nhóm nguy cơ của TP. Trong đó, ông Phong nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai công tác phòng chống dịch. “Mọi trường hợp lơ là, chủ quan sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của Nhà nước”, ông Phong nói.

Bên cạnh đó, TP xiết chặt kỷ luật kỷ cương trong quy định về xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở lưu trú chứa chấp người nhập cảnh trái phép. TP cũng dây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, thực tế hiện nay TPHCM phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của TP. Trong đó có sự quá tải về hạ tầng kinh tế xã hội; hạ tầng giao thông lạc hậu, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và vị thế là trung tâm liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, TP có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước), tuy nhiên vốn đầu tư nước ngoài chưa vượt trội; quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Việc chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn khiến TP chưa tạo ra được hệ thống cơ sở kinh tế vững chắc, làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TPHCM cũng là địa phương có năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người cao so với cả nước, song tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước (trong khi tỷ lệ cả nước là 2,1 trẻ/phụ nữ thì TPHCM là 1,3 trẻ/phụ nữ). Điều này ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế TP trong tương lai.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid – 19 còn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới với các biến thể có tính chất dễ lây nhiễm hơn và điều trị khó khăn hơn, kinh tế TP có độ mở lớn, hội nhập kinh tế sâu rộng, do đó sẽ chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid – 19.

5 nhóm kiến nghị để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đưa ra 5 nhóm kiến nghị đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, về phân cấp công việc cho TPHCM, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với TPHCM và các Bộ ngành Trung ương sớm xây dựng đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM trong quý 2 năm 2021 vì một số nội dung trong Nghị định 93  không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Về vốn ngân sách TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã xây dựng đề án điều chỉnh điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 -2025, tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng 12 kịch bản tỉ lệ điều tiết theo phương pháp khoa học. Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh điều tiết 23% cho giai đoạn 2022 – 2025 cũng như giai đoạn 2011- 2016 đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí, thu ngân sách nộp về trung ương tăng so với trường hợp trung ương giữ nguyên tỉ lệ điều tiết 18% cho ngân sách TP. Do đó, TPHCM kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 là 23%.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025, Đề án cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 và Nghị định hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp để TPHCM có cơ sở thực hiện.

TPHCM đề xuất 5 nhóm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Huyền Mai

TPHCM đề xuất 5 nhóm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Huyền Mai.

Ban hành Nghị định thay thế Nghị định 172 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH MTV là công ty con của công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định thay thế Nghị định 128 của Chính phủ về bàn giao và chuyển giao lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để phù hợp với Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước, đầu tư sản xuất kinh doanh vào doanh nghiệp số 69 và Luật doanh nghiệp số 59 của Quốc hội.

Về vốn đầu tư công, TPHCM kiến nghị Chính phủ và TTCP chấp thuận thông báo điều chỉnh mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư của TP có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TP là 261.967 tỷ đồng.

Riêng về TP Thủ Đức, để TP Thủ Đức trở thành động lực tăng trưởng mới cho TPHCM và vùng kinh tế phía Nam, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với TP xây dựng Đề án về cơ chế chính sách phù hợp với TP Thủ Đức theo Nghị quyết 131 và Nghị quyết 1111 trình Chính phủ trong Qúy 2/2021.

Ngoài ra, cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư và theo phương thức đối tác công tư.

Liên quan đến vấn đề quản lý đô thị, kiến nghị Thủ tướng ban hành Nghị quyết cho TPHCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của TP tại một số khu vực; cho phép UBND TPHCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99 của Chính phủ; cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay cho chung cư cũ xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất…

Theo Trung tâm Báo chí TP HCM – Khang Minh

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới