Chúng ta đang nói về một môi trường kinh doanh năng động và cởi mở trong việc lôi kéo “đại bàng” (doanh nghiệp lớn) về làm tổ ở tỉnh nhà. Tuy nhiên, không nên chỉ chú trọng đại bàng mà trước hết cần có những hình dung hết sức rõ ràng về những chiếc tổ mà mình mong muốn hiện. Không chỉ chú trọng quy mô vốn mà còn cần lưu tâm đến ý tưởng, tầm nhìn chiến lược của từng dự án cụ thể trong tổng thể chiến lược phát triển của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên sáng 20/2.
Phú Yên được biết đến với truyền thống lâu đời, vùng đất địa linh nhân kiệt; một vùng đất có bề dày lịch sử – văn hóa. Được khai khẩn, mở mang từ những năm cuối thế kỷ XVI, trải qua 400 năm, người dân Phú Yên vượt qua bao thách thức nghiệt ngã của thiên nhiên, dịch bệnh, xây làng lập ấp và phát triển kinh tế – xã hội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gần 70 năm làm “Dinh trấn biên phía nam” của Tổ quốc, với cuộc khởi nghĩa Cần Vương rộng khắp tỉnh mang đậm hào khí “thà chết không chịu nhục” do danh nhân lịch sử Lê Thành Phương và các sĩ phu yêu nước lãnh đạo.
Về vị trí địa lý, Phú Yên nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là nơi có điều kiện thuận lợi nhất trong việc xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Tỉnh trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.
Bên cạnh đó, “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” cũng sở hữu nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, với bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm phá, ghềnh còn mang vẻ đẹp hoang sơ tạo nên những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng là tiềm năng rất lớn cho du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cho Phú Yên.
Bên cạnh đó, với nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa sông, đầm phá, vịnh, Phú Yên có thuận lợi lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu; là tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển kinh tế biển.
Góp ý cho tỉnh Phú Yên, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng Phú Yên như “cô gái đẹp đang ngủ quên”, chưa phát huy hết các tiềm năng, lợi thế trong phát triển. Theo đó, một trong những lời giải quan trọng là tạo môi trường thu hút đầu tư tin cậy, thông thoáng khi mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phú Yên đạt 64,14 điểm, còn ở vị trí khiêm tốn, xếp thứ 43 cả nước.
Đánh giá cao tiềm năng của Phú Yên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tỉnh đã quan tâm chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính khi tỉnh có 2.000 thủ tục hành chính, trong đó số hồ sơ đã giải quyết đạt 98%.
Hôm nay, tỉnh đã ký một số thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư, vấn đề là các cam kết phát triển cần được cụ thể hóa bằng các dự án đầu tư. Các bộ, ngành ủng hộ tạo các cơ chế, chính sách để tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển của vùng “đất Phú, trời Yên”, nơi có mũi Đại Lãnh đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
Năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7,35%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.635 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 22.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 210 triệu USD…
Lãnh đạo tỉnh cho biết hiện nay, lượng khách du lịch đến Phú Yên ngày một tăng, dự báo trong giai đoạn 2020-2030 năng lực hệ thống két cấu hạ tầng hiện hữu của Cảng hàng không Tuy Hòa sẽ quá tải.
Tỉnh kiến nghị cơ chế đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa trong giai đoạn 2021-2025 bảo đảm công suất 5 triệu hành khách/năm.
Tỉnh cũng nêu một số kiến nghị về cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển liên kết vùng giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, gồm bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc nối Phủ Yên với Tây Nguyên, đầu tư cảng Bãi Gốc.
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên nằm trong Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, với tổng chiều dài tuyến 132,5 km.
Đến nay, theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, đã đầu tư thực hiện hoàn chỉnh là 67,3 km, chiếm khoảng 52,78% tổng chiều dài tuyến; đang triển khai đầu tư 5 km và các đoạn tuyến chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch là 56,4 km chiếm 44,23% tổng chiều dài tuyến.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Yên đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển, tỉnh đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Trước mong muốn của Thủ tướng được nghe ý kiến của các nhà đầu tư tư nhân, phát biểu tại cuộc làm việc, một số nhà đầu tư nêu rõ cam kết đầu tư lâu dài vào Phú Yên, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng; đề nghị tăng công suất, mở rộng Cảng hàng không Tuy Hòa để có thể đón thêm nhiều chuyến bay theo tinh thần xã hội hóa. Khi tỉnh xây dựng quy hoạch thì mời các nhà đầu tư đến góp ý; quy hoạch phải tạo liên kết vùng.
Theo Thủ tướng, điều quan trọng nhất với Phú Yên là tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Phải có quy hoạch phát triển đúng hướng để không bị lỗi lầm
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng nhắc lại cuộc xúc tiến đầu tư năm 2018 tại Phú Yên. Thủ tướng nói: “Tôi còn nhớ, tôi đưa ra tác phẩm của một người con Phú Yên, quê mẹ ở đây, có tên Phú Yên, miền sơn thủy bất tận, nói lên tiềm năng, lợi thế mà chính các tập đoàn lớn nghiên cứu về Phú Yên. Chúng ta phải nghiên cứu lợi thế so sánh này để phát triển trong thời gian tới”.
Ở miền Trung thì Phú Yên còn là một tỉnh khó khăn nhưng đang vươn lên mạnh mẽ với bước đi, cách làm đúng đắn, đặc biệt là có quyết tâm rất cao ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đó là tinh thần đáng khuyến khích, đang khen ngợi.
Tỉnh đã phát hiện ra các vấn đề qua trọng như đi trước về quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách môi trường đầu tư, đặc biệt là xin cơ chế phát triển chứ không chỉ xin hỗ trợ tiền để phát triển.
Động lực phát triển của tỉnh hướng vào toàn dân cùng hưởng lợi, đặc biệt làm tốt công tác dân vận chính quyền để người dân ủng hộ.
Theo Thủ tướng, điều quan trọng nhất với Phú Yên là tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển. Đây cũng là bài học cần rút ra đối với các địa phương còn nhiều khó khăn khác.
Còn nhiều thách thức mà tỉnh cần vượt lên, theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tư nhân cần nhanh chóng lớn mạnh, năng động hơn với sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, đặc biệt là ngành du lịch trong bối cảnh hậu COVID-19.
Coi trọng kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực để kinh tế tư nhân phát triển là điều cần thiết. “Cái gì thuận lợi, cần ủng hộ cho tư nhân làm, Nhà nước không làm thì chúng ta tạo điều kiện”.
Thủ tướng nhấn mạnh du lịch Phú Yên vẫn là viên kim cương thô quý hiếm rất cần bàn tay của người thợ khéo xứng tầm để gọt giũa, phát triển.
“Chúng ta đang nói một môi trường kinh doanh năng động và cởi mở trong việc lôi kéo “đại bàng” (doanh nghiệp lớn) về làm tổ ở tỉnh nhà.
Nhưng tôi nhấn mạnh không nên chỉ chú trọng đại bàng mà cần trước hết có những hình dung hết sức rõ ràng về những chiếc tổ mà mình mong muốn hiện diện của Phú Yên”.
Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy là không chỉ chú trọng quy mô vốn, cần lưu tâm đến ý tưởng, tầm nhìn chiến lược của từng dự án cụ thể trong tổng thể chiến lược phát triển của tỉnh nhà, cho nên vấn đề quy hoạch, khớp nối để phát triển bền vững của tỉnh Phú Yên rất quan trọng.
Cho nên không chỉ ở Phú Yên, Việt Nam đứng trước thời cơ lớn, liên tục có những chặng đua mới, những vạch đích mới liên tiếp không ngừng với nhiều khúc cạnh tranh, nhiều bước ngoặt, kể cả đối tác trong phát triển, trên con đường hiện thực hóa phồn vinh đất nước, một giai đoạn dài đến 2045.
Trong giai đoạn ấy, chúng ta phải có quy hoạch phát triển đúng hướng để không bị lỗi lầm. Tốc độ phát triển phải cao hơn, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng có ý kiến xử lý các kiến nghị của tỉnh trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Phú Yên phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký hợp tác đầu tư vào tỉnh Phú Yên. Ảnh VGP/Quang Hiếu.
*Trước đó, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế và Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm đã ký Chương trình phối hợp công tác 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, UBND tỉnh Phú Yên đã ký biên bản ghi nhớ với Vietjet.
Theo biên bản này, trong thời gian tới, bên cạnh đường bay kết nối Hà Nội và TPHCM với Tuy Hoà, Vietjet cam kết tăng tần suất bay và khai thác thêm các đường bay cả trong nước và quốc tế đến Cảng hàng không Tuy Hoà, Phú Yên.
Tỉnh Phú Yên cũng ký hợp tác về tư vấn quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với sự tham gia của Công ty Roland Berger và Công ty Tư vấn quy hoạch đô thị Subana Jurong của Singapore.
Cũng trong chuyến công tác tại Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc Tết Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Phi Thưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên chiến sĩ bảo vệ Bến – Tàu Không số Vũng Rô và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41, Anh hùng Đoàn tàu Không số đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ – Đức Tuân