Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Báo cáo tham chiếu là cơ sở quan trọng để Việt Nam xem xét, điều chỉnh các chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh, tiến tới dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.
Tọa đàm chiều ngày 19/12, có sự tham dự của đại diện các bộ ngành và các bên liên quan, các thành viên Hội đồng tư vấn xây dựng Báo cáo tham chiếu, đại diện các vụ, cục có liên quan và đại diện một số cơ sở giáo dục đại học.
Khẩn trương hoàn thiện, đệ trình vào tháng 2/2023
Phát biểu tại Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn xây dựng Báo cáo tham chiếu cho biết, Ủy ban Khung tham chiếu trình độ ASEAN đề nghị các quốc gia thành viên triển khai thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia của nước mình với Khung tham chiếu trình độ ASEAN. Ủy ban tham chiếu cũng đã ban hành các tài liệu hỗ trợ, hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện tham chiếu.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn phát biểu tại Tọa đàm.
Để thực hiện tham chiếu, mỗi quốc gia thành viên cần gửi thư bày tỏ nguyện vọng tới Ủy ban tham chiếu. Việc xây dựng tham chiếu và thẩm định đòi hỏi có sự tham gia, chỉnh lý của chuyên gia tư vấn được quốc gia thành viên mời và các chuyên gia tư vấn của Ủy ban tham chiếu. Đồng thời, việc tham chiếu cần được thực hiện gắn liền với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục của mỗi quốc gia thành viên.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tham gia tiến trình tham chiếu giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ ASEAN nhằm chuẩn hóa hệ thống giáo dục, góp phần thúc đẩy việc hợp tác về giáo dục và công nhận trình độ người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như thúc đẩy việc học tập suốt đời của mọi người dân.
Quá trình tham chiếu sẽ phát triển mối liên kết giữa các trình độ, mô tả trình độ hoặc kết quả học tập ở mỗi bậc trình độ của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ ASEAN. Không những vậy, đây còn là quá trình hướng tới việc cải tiến Khung trình độ quốc gia Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm cho tất cả các bên liên quan để sẵn sàng cho việc điều chỉnh chính sách, công nhận lẫn nhau về trình độ, văn bằng và tiến tới dịch chuyển lao động đối với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Với Việt Nam, kết quả xây dựng báo cáo tham chiếu là cơ sở quan trọng để xem xét, điều chỉnh các chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh trong khu vực ASEAN.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam đã gửi thư bày tỏ quan tâm và cam kết xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Theo yêu cầu của Ủy ban tham chiếu, báo cáo tham chiếu phải đạt được yêu cầu của 11 tiêu chí với các nội dung liên quan đến giáo dục đại học (GDĐH) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Tiếp theo Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025, ngày 11/12/2020,Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 10380/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ GDĐT chịu trách nhiệm làm cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội tổng hợp, đệ trình báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN tới Ủy ban tham chiếu trình độ ASEAN.
Thực hiện vai trò đầu mối, năm 2021, Bộ GDĐT thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng và thẩm định báo cáo tham chiếu và ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng báo cáo này đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2021, việc xây dựng báo cáo tham chiếu giai đoạn đầu cho 6 tiêu chí (từ Tiêu chí 1 đến Tiêu chí 6) đã có sự tham gia tích cực của các bên liên quan theo hướng dẫn của Ủy ban tham chiếu và được Ủy ban cùng chuyên gia các nước đánh giá cao.
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban tham chiếu và góp ý trực tiếp từ các chuyên gia quốc tế nhằm từng bước hoàn thiện dự thảo báo cáo tham chiếu đối với 6 tiêu chí đầu và triển khai xây dựng các tiêu chí còn lại (từ Tiêu chí 7 đến Tiêu chí 11).
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, các phiên bản dự thảo báo cáo tham chiếu vào tháng 6 và tháng 8/2022 tiếp tục nhận được đánh giá cao của Ủy ban tham chiếu và chuyên gia quốc tế. Tiếp thu góp ý trực tiếp từ các chuyên gia quốc tế, nhóm chuyên gia của Hội đồng tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo và sẽ đệ trình Ủy ban tham chiếu vào tháng 2/2023 theo yêu cầu.
Bà Nguyễn Thu Thủy gửi lời cảm ơn tới Hội đồng tư vấn và các bên liên quan, các chuyên gia đã miệt mài, tích cực tham gia xây dựng dự thảo báo cáo tham chiếu, giải quyết khối lượng công việc đồ sộ trong suốt 2 năm qua. Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn bày tỏ mong muốn tiếp nhận thêm nhiều ý kiến khách quan, sát với thực tế để hoàn thiện báo cáo.
Rất cần sự tham gia của các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục đại học và đối tác giáo dục nghề nghiệp
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nêu rõ, Khung tham chiếu trình độ ASEAN cung cấp cơ chế diễn dịch để hiểu được mức độ của trình độ (bằng cấp) của các tổ chức giáo dục, đào tạo từ các quốc gia. Đây là khung trình độ khu vực để so sánh trình độ giáo dục giữa các quốc gia thành viên ASEAN dựa trên chuẩn đầu ra.
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo báo cáo.
Những nguyên tắc của Khung tham chiếu trình độ ASEAN mang tính cởi mở, linh hoạt, tôn trọng đặc thù của các quốc gia. Việc tham chiếu khung trình độ quốc gia với Khung tham chiếu trình độ ASEAN là hoàn toàn tự nguyện và không giới hạn thời gian.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với 8 cấp độ chuẩn đầu ra theo từng trình độ, tạo ra mối liên kết giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng ở Việt Nam.
Năm 2018, sau khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học 2012, Việt Nam đã hình thành khung pháp lý thực hiện Khung trình độ quốc gia đối với các trình độ của giáo dục đại học.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, thực hiện tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN phải trải qua 8 giai đoạn, bảo đảm tính minh bạch và sự tin cậy.
Theo tiến trình này, Việt Nam đang thực hiện giai đoạn 4: Viết báo cáo tham chiếu đáp ứng 11 tiêu chí tham chiếu của Khung tham chiếu trình độ ASEAN, có tính đến kết quả của các cuộc tham vấn cấp quốc gia và quan điểm của chuyên gia quốc tế.
Các giai đoạn còn lại là: Đảm bảo các cơ quan có trách nhiệm liên quan trong nội bộ quốc gia phê duyệt báo cáo tham chiếu; Trình bày báo cáo tham chiếu cho Ủy ban tham chiếu trình độ ASEAN tiếp nối với thảo luận, bao gồm cả đánh giá đồng cấp từ các quốc gia thành viên ASEAN khác; Cung cấp thêm giải trình và bằng chứng để trả lời các câu hỏi và nhận xét từ Ủy ban tham chiếu trình độ ASEAN; Cập nhật báo cáo tham chiếu khi có sự thay đổi trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam và trong mối quan hệ giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Báo cáo tham chiếu, TS. Nguyễn Quốc Chính, đại diện Hội đồng tư vấn xây dựng nhấn mạnh, báo cáo chủ yếu tập trung mô tả hiện trạng; để từ đó, các bên liên quan có thể phân tích, đánh giá.
Các hiện trạng được mô tả bao gồm: Hệ thống giáo dục Việt Nam; Hệ thống bảo đảm chất lượng các trình độ; Tham chiếu các trình độ với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Khung trình độ quốc gia Việt Nam là một công cụ tốt làm tiêu chuẩn để xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ, và khung này đang được đối sánh, tham chiếu tốt với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Ông Chính nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để tham chiếu Khung trình độ quốc gia đã có với các trình độ, các chương trình; làm sao điều chỉnh chương trình, các quy định, để hệ thống trở nên hài hoà và đối sánh được với cả hệ thống các nước ASEAN, và có thể xa hơn nữa là các nước châu Âu.
Theo đó, Việt Nam cần có những quy trình minh bạch cho việc dung nạp, tham chiếu các trình độ đào tạo, các chương trình đào tạo vào khung trình độ quốc gia. Làm thế nào để đảm bảo rằng chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo của một cơ sở đào tạo đối sánh phù hợp với một trình độ đã mô tả rõ trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam; từ đó giúp cho các bên liên quan hiểu chương trình của mình.
Để làm được việc này, phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, mà trực tiếp là hai đơn vị quản lý nhà nước gồm Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, các bộ ngành liên quan, cùng với các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định, các đơn vị sử dụng lao động, người học,…
Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm đánh giá cao nội dung và cách thức trình bày dự thảo báo cáo. Các ý kiến trao đổi xoay quanh chuẩn đầu ra, việc xác định thời lượng đào tạo các ngành nghề đặc thù, việc trình bày đầy đủ các hình thức giáo dục thường xuyên, về quy định về tín chỉ của Việt Nam và nhu cầu hướng dẫn chuyển đổi tín chỉ, việc hài hoà các trình độ tại Việt Nam và tại các quốc gia trong ASEAN và trên thế giới…
Thay mặt Hội đồng tư vấn, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo báo cáo tham chiếu trước khi gửi xin ý kiến chính thức từ các chuyên gia, đại diện các vụ, cục, đại diện các cơ sở giáo dục đại học.
Hội đồng tư vấn mong muốn các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục lưu tâm đến báo cáo tham chiếu quan trọng này và tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, đồng thời cung cấp thêm các tài liệu, thông tin, số liệu liên quan về các ngành đào tạo đặc thù.
Hội đồng tư vấn kỳ vọng, nhiệm vụ lần đầu tiên được thực hiện này sẽ được hoàn thiện xứng tầm, đóng góp tích cực cho phát triển nguồn nhân lực Việt Nam có khả năng cạnh tranh trong khu vực ASEAN.
Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục