Luật sư Hà Thị Kim Liên, Giám đốc chi nhánh Phan Law Vietnam tại Hà Nội, cho rằng với nội dung trên không gian mạng, dù sản phẩm là phim hay không phải phim cũng cần phải có một cơ chế phân cấp quản lý cụ thể và nhất quán.
Hiện rất nhiều các quốc gia đã siết chặt hoạt động của các OTT xuyên biên giới (ảnh minh hoạ).
Cơ chế quản lý nhất quán
Dự thảo 7 của Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 liên quan đến các nhóm ngành công nghiệp giải trí là một trong những chính sách đang rất được các doanh nghiệp chú ý và kỳ vọng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung trên không gian mạng rất đa dạng, không chỉ bao gồm phim mà còn là các sản phẩm ghi hình như tin tức, chương trình truyền hình, gameshow… nhưng không được đề cập trong Nghị định 06 sửa đổi và cũng không được điều chỉnh trong Luật Điện ảnh.
Như vậy hoạt động này đang có phần bị bỏ ngỏ. Cùng là nội dung phát trên không gian mạng nhưng lại do 2 cơ quan khác nhau quản lý, được quy định tại 2 văn bản pháp luật khác nhau với 2 cơ chế kiểm duyệt nội dung khác nhau.
Cụ thể, với phim thì văn bản điều chỉnh là Luật Điện ảnh 2022 với cách thức quản lý là hậu kiểm, tự phân loại. Trong khi với các sản phẩm ghi hình khác thì được điều chỉnh bởi Nghị định 06/2016/NĐ – CP, Luật Báo chí, Luật Viễn thông và Luật Tổ chức Chính phủ.
Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu có mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý nhà nước?
Thêm vào đó, dự thảo Nghị định 06 (sửa đổi) có nội dung xuyên suốt liên quan mật thiết đến sản phẩm của điện ảnh, nền tảng truyền phát trên hạ tầng viễn thông và nội dung phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, nghị định 06 (sửa đổi) lại không có dẫn chiếu đến Luật Viễn Thông, Luật Điện Ảnh và Luật An ninh mạng tại phần căn cứ.
Cho rằng nội dung trên không gian mạng đa dạng và phong phú, luật sư Hà Thị Kim Liên nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động, nội dung trên không gian mạng, các nền tảng OTT là một vấn đề cần được các cơ quan nhà nước cân nhắc đưa ra cơ chế quản lý phù hợp với đặc trưng của hình thức này và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.
Bà Liên cho hay về nguyên tắc, mọi hoạt động liên quan đến điện ảnh nói chung và về phim nói riêng, bao gồm trong đó việc phát hành, phổ biến và lưu trữ phim, đều phải thuộc sự điều chỉnh của Luật Điện ảnh. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, Điều 45, Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh.
Trong khi đó, Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình chỉ điều chỉnh việc quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam.
Các OTT nội chấp hành mọi quy định của pháp luật ngày càng kém cạnh tranh trước những OTT xuyên biên giới không phép (Ảnh minh họa).
Đồng thời, theo khoản 10 và 11 Điều 3 Luật Báo chí 2016 thì kênh phát thanh, kênh truyền hình là sản phẩm báo chí, gồm các chương trình phát thanh, truyền hình được sắp xếp ổn định, liên tục, được phát sóng trong khung giờ nhất định và có dấu hiệu nhận biết.
Như vậy, bà Liên cho rằng về bản chất thì Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ trực tiếp quản lý về các hành vi, dịch vụ phát thanh, truyền hình các sản phẩm báo chí nói chung, bao gồm trong đó các chương trình phát thanh, truyền hình trong một thời lượng nhất định.
“Có thể thấy, mỗi cơ quan đã và đang giữ các vai trò khác nhau, tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Mặc dù có thể xác định được sự phân chia, phối hợp giữa việc các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động trên không gian mạng, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số quy định chưa được rõ ràng và thống nhất, gây ra những khó khăn nhất định trong việc vận dụng quy định pháp”, bà Liên nêu và cho rằng dù sản phẩm là phim hay không phải phim cũng cần phải có một cơ chế phân cấp quản lý cụ thể và nhất quán.
Phải bình đẳng trong quản lý OTT trong và ngoài nước
Một nội dung rất quan trọng là quản lý hoạt động của các doanh nghiệp xuyên biên giới, tuy nhiên dự thảo cũng chỉ mới đưa ra quy định quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình có sử dụng tên miền do Việt Nam quản lý. Các doanh nghiệp ngoài nước sử dụng tên miền quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix, iQIYI, WeTV,… lại không được đề cập. Hoạt động của các doanh nghiệp này hiện không có luật nào quy định, hoàn toàn bỏ ngỏ, và không có kiểm soát.
Luật sư Hà Thị Kim Liên cho rằng trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam có hành vi vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam như Luật An ninh mạng, vi phạm thuần phong mỹ tục…thì Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử) sẽ xử lý theo quy định, buộc gỡ bỏ các nội dung vi phạm khỏi kho nội dung tiếp cận người dùng tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.
Các biện pháp chặn, yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm của cơ quan nhà nước cũng đã đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tính chất xuyên biên giới phức tạp trên môi trường mạng cũng như sự khác biệt về quy định pháp luật tại các quốc gia nơi doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở chính.
“Nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại, cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc để đảm bảo người dùng Việt Nam được tiếp cận nội dung đa dạng nhưng vẫn đảm bảo tính tuân thủ theo quy định”, bà Liên nói.
Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng khi phổ biến phim đến công chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh như xin giấy phép phổ biến phim, kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành, phổ biến phim, có giấy phép nhập khẩu, … Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không qua đăng ký cấp phép.
“Các đơn vị truyền hình trong nước đưa một video lên OTT cũng phải kiểm duyệt thì không lý do gì các bộ phim của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam lại không phải kiểm duyệt, không phải nộp thuế, trong khi có thể có những nội dung xuyên tạc lịch sử, trái với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam; đồng thời, việc này cũng tạo nên bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, ông Hà nói.
Theo vietnamfinance.vn – Kỳ Thư