Thứ Tư, 24/04/2024, 6:34

Ôn cố tri tân: Nhìn lại những cải cách kinh tế tiến bộ của Hồ Quý Ly

Xem thêm

Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam. Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, ông đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Những biện pháp đó đã giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ XIV, góp phần xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung vững mạnh. Trong đó, cải cách kinh tế là trọng tâm vì đây là điểm nút của cuộc khủng hoảng.

Ôn cố tri tân: Nhìn lại những cải cách kinh tế tiến bộ của Hồ Quý Ly

Chân dung Hồ Quý Ly (1336-1407).

Phát hành tiền giấy

Năm 1396, Hồ Quý Ly mở đầu cuộc cải tổ của mình về kinh tế với việc phát hành tiền giấy, gọi là “Thông bảo hội sao”. Tiền giấy có nhiều loại, vẽ hình khác nhau: “Tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng biển, tờ một tiền vẽ mây, tờ hai tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Sử dụng tiền giấy là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nước ta trước đó, không những hủy bỏ đồng tiền cũ mà còn xóa đi một quan niệm cũ về tiền tệ.

Sự xuất hiện của tiền giấy đáp ứng yêu cầu trao đổi thuận tiện trên thị trường, thuận tiện cho thương nhân đi buôn bán xa, vừa dễ vận chuyển, giảm nhẹ việc gửi tiền ở các trấn lộ. Mặt khác, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước và nhu cầu dùng đồng để chế tạo vũ khí chuẩn bị chống giặc ngoại xâm.

Chính sách hạn điền

Chính sách này được ban hành vào năm Đinh sửu (1397. Theo chính sách hạn điền, trừ đại vương và trưởng công chúa, còn tất cả mọi người, từ quý tộc cho đến thứ dân, đều bị hạn chế số ruộng tư (tối đa 10 mẫu), cho phép lấy ruộng tư chuộc tội.

Nhà nước tiến hành đo đạc lại ruộng đất, diện tích thừa phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Đó là những cải cách tiến bộ đánh mạnh vào thế lực của tầng lớp quý tộc điền trang và địa chủ tư hữu, tăng nguồn thu nhập sưu thuế cho nhà nước.

Cải cách quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, chủ yếu là quan hệ ruộng đất bằng chính sách “hạn điền” nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến. Chính sách này đã đánh đúng nền tảng kinh tế quyền uy chính trị của tầng lớp quý tộc.

Tuy vậy, chính sách này vẫn ở mức nửa vời vì số đất lấy ra lại tiếp tục bị sung công, biến thành công điền, có tác dụng củng cố chính quyền nhà nước chứ không thực sự nhằm mục đích phát triển kinh tế.

Chính sách hạn nô

Năm 1401, Hồ Quý Ly đã ban hành chính sách hạn nô. Theo đó, các quý tộc bị hạn chế số nô tì, số thừa ra (những nô tì không có chúc thư 3 đời) bị sung công, bồi thường cho chủ 5 quan một người. Các loại gia nô phải thích dấu hiệu vào trán. Phép hạn nô đã chuyển một số lớn gia nô thành quan nô (nô tì nhà nước, họ có thay đổi về thân phận, nhưng vẫn không được giải phóng).

Cùng với phép hạn điền, phép hạn nô về cơ bản đã làm suy sụp tầng lớp quý tộc phong kiến và nền kinh tế điền trang, tăng cường thế lực kinh tế của Nhà nước trung ương. Điều này cũng có nghĩa là hạn chế nguy cơ phản công giành lại ngôi vua của quý tộc nhà Trần.

Đổi mới chế độ thuế

Một chính sách cải cách kinh tế quan trọng nữa của Hồ Quý Ly là sự đổi mới chế độ thuế khóa. Mức thuế đối với ruộng đất công làng xã khoảng 1/3 sản lượng. Đó là mức thuế nhẹ mà nông dân các làng xã có thể chịu được. Đối với ruộng đất tư hữu, nhà Hồ đã tăng mức thuế từ 3 thăng/1 mẫu (thời Trần) lên 5 thăng/1 mẫu.

Tuy chính sách này chưa đạt hiệu quả cao nhưng đã góp phần kích thích kinh tế nông nghiệp phát triển hơn so với trước.

Nhìn chung, những cải cách về kinh tế, tài chính của Hồ Quý Ly có nhiều điểm tích cực, tiến bộ, mang tính thời đại với mong muốn xây dựng một nước cường thịnh. Tư tưởng đổi mới của ông cũng rất đáng trân trọng, đáng tiếc những cải cách của ông chưa mang lại những kết quả như kỳ vọng.

Hồ Quý Ly (1336-1407) trước có tên là Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên. Theo gia phả họ Hồ, tổ tiên của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang (Trung Quốc), đời Hậu Hán thời Ngũ đại Thập quốc (năm 947-950), tương đương thời Dương Tam Kha của Việt Nam, sang làm Thái thú Diễn Châu và định cư ở hương Bào Đột, nay là xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Ông có hai người cô đều được vua Trần Minh Tông lấy làm cung phi và đều trở thành mẹ hai vua nhà Trần, do đó ông sớm được đưa vào làm quan trong triều đình nhà Trần.

Lê Quý Ly là một vị quan có nhiều công trạng dưới thời Trần. Kể từ năm 1371, vua Trần Dụ Tông phong cho Lê Quý Ly làm Trưởng cục Chi hậu. Sau vua Trần Nghệ Tông đưa ông lên làm Khu mật đại sứ, lại gả em gái là công chúa Huy Ninh. Năm 1395, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chết, ông được cử làm Phụ chính Thái sư, tước Trung tuyên Vệ quốc Đại vương, nắm trọn quyền hành trong nước.

Sau đó Lê Quý Ly bức vua Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá, đồng thời ép Trần Thiếu Đế phải nhường ngôi cho mình (năm 1400).Ông đổi sang họ Hồ, lập nên nhà Hồ, lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu. Ông làm vua chưa được một năm, sau đó nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng hoàng cùng coi việc nước.

Theo vietnamfinance.vn – Hoài Thương

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới