Thứ Tư, 09/10/2024, 20:12

Những bài thuốc từ con trâu

Xem thêm

Con trâu không chỉ là đầu cơ nghiệp, là người bạn của nông dân, gắn liền với nền văn hóa lúa nước, mà từ xa xưa, cha ông ta đã dùng hầu hết các bộ phận của con trâu kết hợp với nhiều vị thuốc xung quanh để chữa bệnh.

Trong các thuốc được làm từ trâu thì cao da trâu, cao xương trâu và thịt trâu phổ biến hơn cả.

Cao da trâu, còn gọi là hoàng minh giao, vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng lên phế, can, thận. Cao da trâu bổ máu, thanh nhiệt nhuận phế, an thai, dùng chữa các chứng bỏng, làm thuốc cầm máu khi băng huyết và các chứng ra máu (lỵ, ho, đi tiểu ra máu), động thai, kinh nguyệt không đều.

Cao da trâu sắc với rượu trị các bệnh như ghẻ ngứa, nhọt độc.

Để điều trị ho kinh niên, lấy 75 g cao da trâu, 75 g nhân sâm rồi nghiền nhỏ, mỗi lần dùng 12 g sắc với 1 chén nước đậu sị, 1 tép hành trắng, uống ngày 3 lần.

Để trị chứng bí đại tiện ở người già, lấy 8 g cao da trâu sắc với 3 nhánh hành trắng, khi uống cho thêm 2 thìa mật. Mỗi lần dùng 5-11 g.

Để chữa chứng đi lỵ ra máu: Hoàng liên 3 g, gừng khô 2 g, sinh thục địa 5 g, tất cả sắc với 3 bát nước còn 1 bát, lọc lấy nước, lúc đang nóng cho cao da trâu thái nhỏ vào khuấy tan, chia 2 lần uống trong ngày.

Cũng như da trâu, xương trâu nấu cao đơn thuần, hoặc phối hợp với các loại xương khác như gà, lợn, chó, dê, trăn, khỉ thành cao xương hỗn hợp, dùng để làm thuốc bổ gân xương, bồi bổ canxi, chất keo cho người già yếu, trẻ em chậm biết đi. Cao này khi phối hợp thêm các vị thảo dược như ngũ gia bì, đảng sâm, thục địa, cẩu tích sẽ cho tác dụng tăng dược tính của bài thuốc cần dùng.

Vào mùa Đông, chân tay tê lạnh, đau nhức, có thể dùng 12,5 g cao xương trâu hấp chín ăn cùng với cơm hoặc ăn một mình đều được, hoặc hòa 12,5 g cao xương trâu với cháo nóng.

Ngoài nấu cao, cha ông ta thường dùng xương trâu tươi chặt nhỏ, ninh với bí đỏ, cà rốt, măng (có thể thêm ít rượu) để bồi bổ sức khoẻ. Xương trâu hầm đậu đen và thuốc Bắc rất thơm ngon và bổ dưỡng. 4 cẳng chân dùng nấu món tứ trụ trong bát trân để đại bổ khí huyết. 

Thịt trâu có vị ngọt, tính hàn, tác dụng lên kinh tỳ, vị. Ngoài bổ máu, thịt trâu còn là vị thuốc để chữa các chứng huyết hư, nóng trong xương, ra mồ hôi trộm, mồ hôi tay chân nhiều.

Để trị chứng huyết hư, nóng trong xương, mồ hôi trộm, cha ông ta dùng thịt trâu, hoặc xương có tủy hầm với khoai sắn, củ cải, ngó sen, củ súng, cùng các loại rau thơm… ăn hằng ngày.

Khi bị phù thũng, lấy bàn chân cẳng trước của con trâu, thui qua rồi lột móng, làm sạch, sau đó luộc mềm, róc lấy thịt gân để nấu với rau cải, bí bầu, hoặc với các vị thuốc lợi tiểu như rễ cỏ tranh, rau mã đề. Hoặc lấy 200 g thịt trâu bóp dấm thanh và gừng rồi hấp chín, ăn mỗi tuần 3 lần.

Nếu bị tắc tia sữa, lấy phần thịt láng bóng quanh mũi trâu nấu với mướp khía và hành hoa, hoặc hầm cùng đu đủ, mít non, hành, ăn mỗi ngày 1 lần.

Để chống suy nhược thần kinh và thể lực: Nấu cao thịt trâu bằng cách ninh lấy nước cô cao có màu hổ phách, bảo quản kỹ để ăn dần ngày 1-2 thìa.

Hay hồi hộp, váng đầu thì lấy thịt trâu 500 g rửa sạch, nhúng vào nước sôi 3 phút rồi thái mỏng, sau đó hầm trong vòng 2 giờ cùng với các vị thuốc: Câu kỷ 30 g, sinh khương 10 g, muối tinh 10 g, nước gừng 200 ml, dầu lạc 10 g, hoài sơn 30 g, củ hành 10 g, rượu nhạt 20 ml. Ăn ngày 2 lần.

Trong con trâu còn có 2 vị thuốc quý khác đó là sừng và sỏi mật.

Sừng trâu (ngưu giác hay thủy ngưu giác) có vị đắng, chua, hơi mặn, tính hàn, tác dụng lên tâm, can, vị. Vị thuốc này có tác dụng thanh huyết nhiệt, giải ôn độc, định kinh, dùng để chữa các chứng sốt cao hóa cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, ra máu cam, nhức đầu, ung độc, hậu bối. Phụ nữ có thai không nên dùng.

Lấy 50 g lõi sừng trâu, 250 g ba kích, 50 g hà thủ ô chế, 50 g quả câu kỷ, 25 g rễ cỏ chỉ… tất cả thái nhỏ, sao khô, tán bột mịn, trộn với mật ong lượng vừa đủ, làm thành từng viên bằng hạt nhãn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên và dùng liền 1 tháng sẽ đặc trị liệt dương, đau ngang lưng, đi tiểu nhiều.

Lõi sừng trâu còn được dùng chữa đại tiện ra máu với liều dùng 12-20 g mài nước uống hoặc sắc uống.

Khi trâu bị bệnh sỏi mật sẽ sinh ra một chất gọi là ngưu hoàng, tức là sỏi mật của trâu. Ngưu hoàng được các thầy thuốc xem như là một loại biệt dược có tác dụng vào hai kinh tâm và can có tác dụng thanh tâm, khai đờm, giải độc và chữa hồi hộp. Đây là loại thuốc mà thời xưa chuyên trị các chứng trúng phong bất tỉnh, nhiệt quá hóa cuồng, thần trí hôn mê…

Ngưu hoàng có tác dụng làm tăng huyết sắc tố, tăng lượng hồng cầu và tăng mạch đập của tim. Ngoài ra còn trị các chứng cổ họng sưng đau, nhọt. Tuy nhiên, ngưu hoàng có vị đắng và hơi độc, phụ nữ mang thai không nên dùng.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ – BS. Vũ Ngọc Dũng

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới