Thứ Năm, 19/09/2024, 12:24

Nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí

Xem thêm

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại Hội nghị báo chí toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 24/12.

Thu-truong-phat-bieu-001.jpg

Toàn văn phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí, đó là: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

“Nhân văn” hiểu một cách trực diện, đơn giản là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, hoặc tinh tế hơn, là mang đến cho mỗi câu chuyện buồn vui trong cuộc sống một góc nhìn nhân văn, đồng cảm, hướng thiện, giúp hóa giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn.

Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và nhân dân. Qua gần 3 năm cả đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và hồi phục nền kinh tế, có thể kể ra nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng.

Bên cạnh những bài viết tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… thì mỗi ngày, mở điện thoại, máy tính ra đọc báo chí điện tử, đập vào mắt chúng ta vẫn là những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên báo chí, và thậm chí của cả một số tòa soạn báo và tạp chí.

Vẫn còn nhiều mẩu tin, bài báo thiếu tính nhân văn, quá sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí.

Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tùy tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền.

Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm, thậm chí là coi thường tuyến đề tài về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến – do quan niệm sai lầm là viết về việc tốt, người tốt sẽ không có khả năng thu hút độc giả.

Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm, hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người. Nhiều người trong cuộc và độc giả khi đọc một số bài báo đã phải thốt lên “Tại sao, vì cái gì mà người viết bài lại có thể ác đến như vậy?”.

Khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và với năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội.

Báo chí không được đánh mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, nhưng phản biện, phê phán nhằm xây dựng, phản biện, phê phán đến đâu thì vừa phải, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là một việc khó.

Việc khó thì cần những con người xuất sắc. Khó nhưng không phải là không làm được, khi báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khi có sự đồng lòng, quyết tâm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” của những anh chị em làm báo chân chính và có nghề.

Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9 tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 – 2025”.

Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.

Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan truyền thông chủ lực, các cơ quan báo chí lớn, có sức ảnh hưởng, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội.

Các cơ quan báo, đài chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, tăng cường đăng tải các tin, bài tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến theo đúng quan điểm, mục tiêu đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt.

Từng cơ quan, từng lãnh đạo báo, đài, từng người làm báo không được xem nhẹ, “tầm thường hóa” vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Truyền thông về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến là một sứ mệnh lớn lao của báo chí.

Đất nước ta có vô vàn người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhưng đa phần trong số đó chỉ được biết đến trong một nhóm người, một cộng đồng nhỏ. Khi được báo chí phát hiện, khích lệ, tôn vinh, những tấm gương cao quý đó có cơ hội được tỏa sáng, nhân rộng, truyền cảm hứng và động lực.

Gương người tốt, việc tốt, vượt khó vươn lên phải được thể hiện một cách sinh động, được kể một cách hấp dẫn và thú vị hơn, để mang lại nhiều giá trị cho độc giả và có giá trị thúc đẩy xã hội.

Gắn gương người tốt, việc tốt với sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ; doanh nghiệp, doanh nhân thực sự điển hình, có nhiều đóng góp cho xã hội, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng.

Báo chí đã đồng hành cùng đất nước trong những lúc khó khăn nhất, đóng góp to lớn sau gần 3 năm phòng chống dịch và hồi phục nền kinh tế. Chúng ta cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Báo chí cần cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

Báo chí phải phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của nhân dân, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

Theo mic.gov.vn – BBT

 

 

Bài viết mới