Sản phẩm khẩu trang đang là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm hiện nay. Trong đó có loại khẩu trang được quảng cáo là chống được cả virus và bụi mịn là chiếc khẩu trang 3M. Tuy nhiên trên thị trường đang xuất hiện nhiều sản phẩm khẩu trang 3M giả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid 19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng, làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt, trong đó nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu, nhập khẩu nói chung và các cửa khẩu biên giới nói riêng.
Việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp vô hình chung đã làm cho nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong và ngoài nước tăng cao, dẫn đến giá cả đối với mặt hàng này bị đẩy lên không nhỏ. Các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng đột biến để buôn lậu.
Đặc biệt, loại khẩu trang 3M thường xuyên phải đối phó với tình trạng lừa đảo gia tăng. Trong năm 2020, cơ quan thực thi pháp luật đã tiến hành hơn 1.250 cuộc truy quét, thu giữ hàng triệu khẩu trang giả. Công ty này đã nộp gần 20 đơn kiện liên quan tới các báo cáo gian lận và tăng giá sản phẩm.
Tới nay, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã huy động 7.000 đặc vụ, phối hợp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) điều tra các vụ lừa đảo, thu giữ lượng hàng giả giá trị 33 triệu USD, bắt giữ hơn 200 người.
Nguy hiểm tiềm ẩn từ khẩu trang 3M giả.
Tại Việt Nam, trong năm 2020, Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT, Tổ công tác 368 và Cục QLTT TP HCM cũng từng kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất khẩu trang của công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh. Công ty này nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Chánh.
Theo đó, đoàn công tác phát hiện khoảng 120 thùng khẩu trang, chứa hơn 151.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Đây là vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất trong năm 2020 về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại Việt Nam. Nếu không được phát hiện, số khẩu trang này dự kiến được đưa ra tiêu thụ toàn quốc.
Điều rất nguy hiểm là những khẩu trang y tế, dung dịch diệt khuẩn không rõ nguồn gốc, bảo đảm các yêu cầu về y tế sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người sử dụng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các địa phương.
Trên thực tế, dùng những khẩu trang này không những không bảo vệ được bản thân trước nguy cơ nhiễm bệnh, mà còn có nguy cơ gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp…
Theo các chuyên gia y tế, đối với khẩu trang giả thông thường sẽ được sản xuất trên những dây chuyền tạm bợ, tận dụng những nguồn nguyên liệu rẻ tiền như vải vụn, giấy một lớp, thậm chí là loại giấy có tiêu chuẩn chất lượng chỉ ngang bằng với giấy vệ sinh.
Chưa nói đến công dụng kháng khuẩn hay chống tia UV, ngay cả chức năng lọc bụi cũng không được đáp ứng bởi những mẫu khẩu trang kém chất lượng này. Mỗi chiếc thường chỉ có lớp giữa làm bằng giấy mỏng, khi sử dụng gây ra cảm giác khó thở. Lớp giấy này có thể được nhuộm đen để giả làm than hoạt tính, hoàn toàn không có khả năng lọc như than mà chỉ là một lớp giấy có màu.
Những chiếc khẩu trang kém chất lượng phải cắt giảm tối đa các công đoạn sản xuất. Do đó những sản phẩm này hoàn toàn không được tiệt trùng. Từ khi gom vật liệu cho đến khi ra lò thành phẩm, mỗi công đoạn sản xuất đều ẩn chứa vô số nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, biến chiếc khẩu trang thành ổ bệnh tiếp xúc trực tiếp với miệng và mũi người dùng.
Sự bức bí và thiếu sạch sẽ của khẩu trang giả có thể dẫn đến tình trạng nổi mụn, nhiễm trùng vết thương đối với những người có da mặt nhạy cảm.
Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý tình trạng sản xuất khẩu trang y tế “chui”, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; cũng như việc găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế khác… Những hành vi phạm pháp này cần được ngăn chặn tận gốc.
Cũng cần nhắc lại, sản xuất khẩu trang y tế là loại hình kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển…
Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 55 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất khẩu trang y tế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy hoặc tái chế trang thiết bị y tế theo quy định.
Nếu hành vi nêu trên đáp ứng đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy mức độ nghiêm trọng…
Với người tiêu dùng, để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Theo Tạp chí SHTT và Sáng tạo – Minh Anh