Thứ Bảy, 20/04/2024, 0:58

Nghệ thuật đảo ngược của họa sĩ tuổi 78

Xem thêm

Hơn 30 tác phẩm được sáng tác trên chất liệu sơn dầu và acrylic theo phong cách đảo ngược, thể hiện những nỗ lực của họa sĩ Nguyễn Đại Giang.

Tác phẩm “Chợ Hà Nội”.

Tác phẩm “Chợ Hà Nội”.

Sinh năm 1944 tại Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Đại Giang từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế, tổ chức 5 triển lãm cá nhân ở trong nước. Ở tuổi 78, ông vẫn luôn trăn trở và tạo phá cách bằng triển lãm “Dân tộc – Hiện đại: Cội nguồn của nghệ thuật đảo ngược”, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến hết ngày 31/5.

Đảo ngược để thấy đời đẹp hơn

Tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp khóa 3 và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1 tại Hà Nội, sau đó Nguyễn Đại Giang học chuyên ngành đồ họa tại Moscow (Nga). Sang Mỹ vào những năm 1990, ông bắt đầu lại một cuộc sống mới ở cái tuổi rất nhiều người ngại bắt đầu.

Trên nền tảng chất liệu lấy từ chính quê hương Việt Nam, Nguyễn Đại Giang không ngừng sáng tạo và tìm ra những cái mới của riêng mình. Sự đặc sắc và cái riêng của tác giả được giới nghệ thuật đánh giá cao, dù trên thế giới cũng có trường phái vẽ đảo ngược từ những năm 70 – như họa sĩ Đức lừng danh Georg Baselitz.

Dù trong nghệ thuật tư tưởng lớn gặp nhau, nhưng với Nguyễn Đại Giang – tranh đảo ngược đến như một sự khai sáng sau một quá trình tìm tòi, trăn trở, đau đáu với sáng tạo nghệ thuật. Giữa miếng cơm manh áo để tồn tại, giữa không gian nghệ thuật rộng mở nhưng cạnh tranh khốc liệt nơi xứ người.

“Lúc ở Việt Nam tôi vẽ hiện thực, ở Liên Xô tôi vẽ cơ bản về hiện thực, nhưng đến Mỹ thì thấy phải thay đổi. Một hôm, tôi nhìn thấy người đàn bà còn trẻ bế một đứa con, cầm một cái biển đề “không thuốc, không tiền, không thức ăn – hãy giúp tôi”.

Tôi không tin tại sao ở Mỹ lại có cảnh ấy và tôi ngộ ra cuộc đời là như thế. Vấn đề là cách nhìn và mình diễn ra hiện thực bằng một phương tiện của nghệ thuật”, hoạ sĩ Nguyễn Đại Giang cho biết.

Và thế là ông vẽ đảo ngược. Bởi có những yêu cầu, hình thức khắt khe về nghệ thuật thể hiện, phải có tư tưởng nhất quán trong tìm tòi với những giá trị cốt lõi của nghệ thuật: “Nghệ thuật đảo ngược là tôi vẽ cuộc đời tôi. Cuộc đời tôi có lúc lên có lúc xuống. Một phần nữa là tôi thấy đời sống đảo ngược. Cuộc đời này ai cũng thế, luôn song hành, lẫn lộn nhau”.

Nghệ thuật đảo ngược là vẽ một hình thể trong tranh có cái đúng và có cái sai. Vẽ thì hết sức thay đổi, hư cấu, tưởng tượng, nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản chất của nghệ thuật, một hiện thực hết sức đẹp đẽ. Họa sĩ của chủ nghĩa đảo ngược vẽ ngay đời sống chứ không vẽ ở đâu xa lạ, và sự thay đổi là để nâng lên cái tầng đẹp đẽ của cuộc đời.

Là họa sĩ người Việt duy nhất được sống trong tòa nhà Art Space do chính phủ Mỹ xây dựng dành cho các họa sĩ. Từ 1993, Nguyễn Đại Giang luôn có các triển lãm cá nhân cũng như triển lãm nhóm tại Mỹ, Thụy Ðiển, Anh, Tây Ban Nha và giành nhiều giải thưởng tại các triển lãm lớn. Năm 1996, tranh của ông được lựa chọn vào “CD mỹ thuật hiện đại nhất” tại New York.

Chất liệu dân tộc

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội.

Không chỉ thành công ở các triển lãm quốc tế, họa sĩ Nguyễn Đại Giang còn tham gia nhiều trưng bày ở trong nước: Tại TPHCM năm 2009, Hà Nội năm 2014 và 2018, Huế năm 2016 và Đà Nẵng năm 2018.

Hơn 30 tác phẩm trong triển lãm lần này tại Hà Nội được sáng tác trên chất liệu sơn dầu và acrylic. Chủ đề các tác phẩm khá đa dạng, từ chân dung, phong cảnh, sinh hoạt, văn hóa, truyền thống…

Lấy cảm hứng từ những hình thức khắc đảo ngược trên các bãi đá cổ ở Sapa, chợ Hà Nội, cà phê phố cổ, sông Hồng… các tác phẩm đều có màu sắc tươi sáng. Qua đó, công chúng thấy vẻ đẹp của nghệ thuật và nhân sinh lạc quan của người Việt. Họa sĩ mong muốn thông qua triển lãm này, truyền tải thông điệp cuộc đời vẫn đẹp và đáng sống.

Ở mảng tranh chân dung, bên cạnh những góc nhìn mới lạ về nhân vật nổi tiếng thế giới như Khổng Tử, Leo Tolstoy, Pablo Picaso, William Shakespeare, còn là những bức vẽ sinh động về những người phụ nữ trong cuộc sống đời thường như: Mẹ của họa sĩ, Người đàn bà trên biển, Người đàn bà tay to, Cô gái miền núi…

Nhiều bức vẽ được hoạ sĩ khơi nguồn từ văn hóa dân gian như: Ca trù Hà Nội, Đàn bầu – trăng, Tam cúc, Chơi ô ăn quan… rồi những bức vẽ con giáp cũng đã tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho công chúng, bởi những gam màu tươi sáng cùng nét vẽ phóng khoáng.

Dấn thân vào nghệ thuật đảo ngược, họa sĩ Nguyễn Đại Giang tâm niệm rằng “nhìn vào bản ngã của mình và vẽ nó”. Trên nền tảng chất liệu quê hương Việt Nam, ông không ngừng sáng tạo và tìm ra những cái mới của riêng mình. Ông muốn người xem được cảm nhận về nghệ thuật phá cách nhưng chứa đựng tư tưởng sâu sắc của dân tộc – đó là sự bao dung và hòa đồng.

Đã có lúc Nguyễn Đại Giang phải quên mình là họa sĩ, để rồi gánh vác những giá trị của cố hương hòa vào dòng chảy lớn của hội họa hiện đại.

Ở tuổi 78, họa sĩ tiếp tục mang đến những rạng rỡ của nghệ thuật đảo ngược đến với công chúng Thủ đô – để thấy những lẽ sống hiển nhiên, dù đảo ngược nhưng nó vẫn là nó, chứ nó không phải là ai khác.

“Nghệ thuật đảo ngược là vẽ một hình thể trong tranh có cái đúng có cái sai nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản chất của nghệ thuật, một hiện thực hết sức đẹp đẽ. Tuy tranh đảo ngược có sự thay đổi rất lớn ở vị trí mắt, mũi, tay, chân, đằng trước ra đằng sau, bên ngoài thành bên trong, bên trong ra bên ngoài, cái trên biến thành cái dưới, cái to biến thành cái nhỏ… nhưng cuối cùng vẫn là con người ấy, không thể nào là một người khác” – Họa sĩ Nguyễn Đại Giang.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại – Trần Hòa

Link gốc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới