Thứ Sáu, 19/04/2024, 13:58

Lãi ròng quý I của ‘trùm xây dựng’ HBC giảm 95% và nỗi lòng của Chủ tịch Lê Viết Hải

Xem thêm

Lãi ròng quý I/2020 của “trùm xây dựng” HBC giảm tới 95%. Đáng chú ý, diễn biến dòng tiền có phần kém thuận lợi đã khiến lượng tiền hiện tại của HBC giảm xuống mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng tài sản, rất cần lưu ý trong bối cảnh dịch được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền tương lai.

Nhận định “di chứng của đại dịch chắc chắn còn kéo dài”, Chủ tịch Lê Viết Hải đã hạ sâu mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay của HBC.

Lãi ròng quý I của 'trùm xây dựng' HBC giảm 95% và nỗi lòng của Chủ tịch Lê Viết Hải

Chủ tịch Lê Viết Hải.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với tín hiệu kém khả quan.

Cụ thể, doanh thu thuần quý vừa qua của HBC giảm tới 34% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2.441 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp giảm 45% xuống còn 188 tỷ đồng.

Trong kỳ, HBC ghi nhận 14,4 tỷ đồng doanh thu tài chính. Ngoài ra còn có lợi nhuận khác trên 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí vẫn bào mòn gần hết nguồn thu.

Theo đó, chi phí tài chính quý I/2020 của HBC ở mức 66,1 tỷ đồng, tăng 17%; chi phí bán hàng ở mức 10,3 tỷ đồng, tăng 14%; chi phí quản lý doanh nghiệp trên 119 tỷ đồng, giảm 6%. Bên cạnh đó, HBC còn ghi nhận khoản lỗ 6,4 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết.

Trừ đi cả chi phí thuế, chốt quý, lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) của HBC chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HBC âm (-) tới 533 tỷ đồng trong quý I/2020, chủ yếu do doanh nghiệp này phải chi lượng lớn tiền để chi trả các khoản phải trả, đặc biệt là các khoản phải trả người bán ngắn hạn, cùng với đó là tiền chi để gia tăng hàng tồn kho.

Thêm vào đó, HBC cũng quyết định giảm bớt nợ vay nên dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm (-) gần 100 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động đầu tư đem về dòng tiền thuần dương (+) 162 tỷ đồng nhưng lượng tiền này là không đủ để bù đắp sự “hụt” đi của dòng tiền kinh doanh và dòng tiền tài chính. Do đó, tiền và tương đương tiền đã sụt giảm hơn 460 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, xuống còn 106 tỷ đồng.

Nếu tính cả tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng thì tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của HBC ở mức vỏn vẹn 124 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,8% tổng tài sản. Đây là mức rất thấp, rất cần lưu ý trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến dòng tiền hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp.

Phần lớn tài sản của HBC tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn với quy mô trên 10.100 tỷ đồng (chiếm khoảng 2/3 tổng tài sản), trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng và các khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng)

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của HBC tới thời điểm cuối tháng 3 ở mức gần 4.000 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu, ở mức trên 10.700 tỷ đồng; trong đó, nợ vay ở mức trên 4.800 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu, là tín hiệu cho thấy nợ phải trả nói chung và nợ vay nói riêng đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp này.

Trong báo cáo thường niên công bố chỉ vài ngày trước khi công bố báo cáo tài chính quý I/2020, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải cho hay từ đầu năm 2020, HĐQT HBC đã đề ra kế hoạch doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, một sự kiện chấn động toàn cầu là đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã tác động nghiêm trọng trực tiếp tới tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam từ tháng 1 đến nay và mức độ ảnh hưởng, hệ lụy di chứng của đại dịch chắc chắn còn kéo dài. Do đó, HĐQT đã hết sức khó khăn trong việc đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2020”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Vị lãnh đạo này cho biết tạm thời HBC đề ra kế hoạch 2020 với chỉ tiêu: Doanh thu 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch cũ, doanh thu đã giảm khoảng 31% còn lợi nhuận sau thuế thì giảm tới 72%.

Chủ tịch Lê Viết Hải nhấn mạnh mục tiêu của HBC trong năm nay là bảo toàn các nguồn lực sau khủng hoảng Covid-19 bằng các giải pháp ở 7 nhóm tái cấu trúc, đó là: Sản phẩm & dịch vụ, Thị trường, Mô hình kinh doanh, Hệ thống quản lý, Hệ thống thông tin, Nguồn nhân lực và Tài chính.

Ông cho biết thêm, HĐQT HBC đã chuẩn bị những biện pháp nhằm vừa phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện nay; đồng thời, giúp tập đoàn có thể khôi phục nhanh chóng và mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng.

Chủ tịch HBC gửi gắm tới các cổ đông rằng: “Cho dù chúng ta có những năm khó khăn bị chững lại nhưng sau đó lại tăng mạnh (2 chu kỳ 5 năm gần nhất, năm 2008 doanh thu là 696 tỷ đồng, năm 2013 là 3.500 tỷ đồng và năm 2018 là 18.300 tỷ đồng).

Ông tin rằng sau khủng hoảng này, “nhất định con tàu Hòa Bình sẽ vượt qua sóng gió để tiến lên mạnh mẽ theo chiến lược vươn ra biển lớn”.

Theo vietnamfinance.vn – Thanh Long

Bài viết mới