Chủ Nhật, 15/09/2024, 23:38

Hàng trăm triệu USD đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu

Xem thêm

Ngân hàng Thế giới cho biết đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL).

Dự án MD-ICRSL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai, gồm 5 hợp phần với 16 tiểu dự án.

Trong đó có 6 tiểu dự án về nâng cao khả năng quan trắc, dự báo, phân tích cơ sở dữ liệu và 10 tiểu dự án tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế cho các vùng được lựa chọn.

Hợp phần một là những hoạt động đầu tư tăng cường công tác giám sát, phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu. Hợp phần hai giải quyết vấn đề điều tiết nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ để nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở vùng thượng nguồn Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hợp phần 3 gồm các hoạt động giải quyết thách thức liên quan đến xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, nuôi trồng thủy sản bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân sống tại vùng ven biển.

Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới khảo sát mô hình sinh kế của Dự án ICRSL triển khai tại Đồng Tháp

Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới khảo sát mô hình sinh kế của Dự án ICRSL triển khai tại Đồng Tháp.

Hợp phần 4 là các hoạt động phòng chống xói lở bờ biển, quản lý nước ngầm, cung cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân sống ở khu vực ven biển. Cuối cùng là hợp phần 5 với các hoạt động hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.

Các hoạt động công trình và phi công trình được thiết kế linh hoạt, hướng tiếp cận từ tổng thể đến chi tiết dành cho 9/13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, sau 6 năm triển khai, đến nay dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cụ thể, dự án tác động tác động trực tiếp đến 1,183 triệu ha với tổng dân số khoảng 3,95 triệu người thuộc địa bàn của 26 huyện; tác động gián tiếp lên 3 vùng (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và vùng cửa sông ven biển) với tổng diện tích trên 1,5 triệu héc ta cùng dân số khoảng 4,97 triệu người.

Về mặt hạ tầng, dự án đã nâng cấp 470 km bờ bao và xây dựng 192 cống các loại nhằm đảm bảo ổn định sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ 27 km bờ biển, đồng thời rà soát và nâng cấp đai rừng ngập mặn ven biển với tổng chiều dài 50 km.

Xây dựng một trạm trung tâm thu nhận số liệu từ các trạm quan trắc và lắp đặt các thiết bị quan trắc lưu lượng, chất lượng nước, mực nước và độ mặn cho 20 trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu liên tục và cập nhật về các đặc trưng, diễn biến tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra còn nhiều công trình hạ tầng khác như xây dựng giếng quan trắc, hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển…

Theo Ban quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với vấn đề kiểm soát lũ, dự án MD-ICRSL đã xây dựng kế hoạch tạo các hành lang thoát lũ, nâng cấp đê bao lửng vốn thường xuyên bị phá vỡ do lũ gây ra và xây dựng các cầu cạn.

Khi thực hiện tốt các vấn đề về hạ tầng sẽ giảm được sự xói lở đê bao, chủ động được việc thích ứng với lũ nhỏ và lũ lớn để người dân của 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang có thể gia tăng sản xuất trong mùa lũ.

Ngoài đầu tư, nâng cấp hạ tầng, dự án còn tập trung phát triển sinh kế bền vững cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án tiến hành hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật, hạ tầng để chuyển đổi sản xuất cho tổng số trên 47.900 ha, tiến hành hướng dẫn và đào tạo 40.830 người dân có kỹ thuật để chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững.

Phạm vi của các tiểu dự án đề xuất (TDA từ 1 đến 10)

Phạm vi của các tiểu dự án đề xuất (TDA từ 1 đến 10).

“Từ các mô hình sinh kế đa dạng được thiết kế phù hợp với từng vùng, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp của dự án khi thành công sẽ là cơ sở để thúc đẩy người dân tại các vùng dự án thay đổi thói quen sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai”, đại diện ban quản lý dự án nhận định.

Dự kiến tổng diện tích chuyển đổi sinh kế theo các mô hình của dự án là 200.000 ha. Dự án cũng bố trí thành các vùng chuyển đổi để khai thác tốt đới bờ ven biển nhằm đem lại kết quả cao ở vùng cửa sông về mặt sản xuất và tận dụng nguồn lợi từ nguồn nước mặn và ngọt.

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thuỷ lợi, trải qua 6 năm thực hiện, thông qua dự án MD-ICRSL, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều quyết sách vĩ mô quan trọng, đồng thời có những chương trình cụ thể, giúp hơn một triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.

Các loại hình sinh kế của dự án đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho các loại hình sinh kế truyền thống mà vẫn đem lại lợi nhuận cho người dân.

(Nguồn và ảnh: CPO Thuỷ lợi)

 

 

Bài viết mới