Chủ Nhật, 08/12/2024, 0:31

Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023 sẽ diễn ra từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết

Xem thêm

Với chủ đề “TP.HCM – Xuân an vui, xuân thịnh vượng”, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân và du khách từ 19 giờ ngày 19/1 đến 21 giờ ngày 26/1/2023 (tức từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết).

Thông tin trên được ông Nguyễn Đông Hòa – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 – Tết Quý Mão năm 2023 cho biết tại buổi họp báo chiều 6/1. 

Ông Nguyễn Đông Hòa - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 – Tết Quý Mão năm 2023 thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Nhi.

Ông Nguyễn Đông Hòa – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ lần thứ 20 – Tết Quý Mão năm 2023 thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Linh Nhi.

Theo ông Nguyễn Đông Hòa, điểm nổi bật của đường hoa năm nay là sự thay đổi tiểu cảnh hoa tại khu vực tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà UBND Thành phố.

Thay cho 36 chậu mai như mọi năm, năm nay 68 cội mai vàng đến từ làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) sẽ tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ mà dung dị cho khu vực tôn nghiêm này.

Đây cũng là lần đầu tiên, cầu kính xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ với chiều dài 40m, cấu tạo bằng sắt, gỗ và kính cường lực 3 lớp cao 1,8m tính từ mặt đất.

Thiết kế cầu kính tại Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023. Ảnh: Saigontourist. 

Thiết kế cầu kính tại Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023. Ảnh: Saigontourist. 

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão được chia thành 2 chương “Xuân an vui” và “Xuân thịnh vượng”, trải dài hơn 600m, sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, vải, dây thun… cùng khoảng 88 loại hoa, 18 loại lá, gần 106.000 chậu, giỏ hoa các loại, hơn 300m² cỏ.

Cũng như năm 2022, cổng chào đường hoa không nằm ở vị trí trung tâm mà được dịch chuyển sang một bên để tạo không gian cho các hoạt động. Sáu linh vật ở cổng đường hoa có chiều cao từ 0,8 – 4,5m, được tạo hình bằng xốp, sơn mỹ thuật bề mặt giả gốm. 

Thiết kế cổng chào. Ảnh: Saigontourist.

Thiết kế cổng chào. Ảnh: Saigontourist.

Những linh vật mèo còn lại được cách điệu đa dạng về kích thước (thấp nhất 0,6m, cao nhất 5,5m), được làm từ nhiều chất liệu mút xốp, sắt, sơn mỹ thuật, phủ mùn cưa, giả đất nung, ốp hoa tươi… với nhiều sắc thái, biểu cảm khác nhau từ dễ thương, nghiêm túc, tinh nghịch, lười biếng đến tò mò sẽ mang đến cảm giác thích thú cho khách tham quan.

Ở cuối công trình, đôi mèo kết hoa là điểm kết hoàn hảo cho hành trình chiêm ngưỡng đường hoa.

Trên diện tích hơn 240 m² sau lưng cổng chào đường hoa, người dân và du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng toàn bộ 20 linh vật đã từng xuất hiện tại vị trí cổng chào đường hoa trong hai thập kỷ.

Có 8 linh vật đã đến, đã đi và quay trở lại trong hai mươi năm qua gồm các linh vật: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần và Mão. Các linh vật tại đại cảnh “Vùng ký ức” được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa. 

Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2023 ghi dấu mốc 20 năm của công trình văn hóa độc đáo và đã trở thành biểu tượng của TP.HCM vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Công trình do UBND TP.HCM chỉ đạo; đơn vị chủ trì tổ chức, thực hiện là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tại TP.HCM.

Theo Trung tâm Báo chí TP.HCM – Linh Nhi

 

 

 

Bài viết mới