Bản thân muốn trở thành hình mẫu là một người dám ước mơ và biến ước mơ thành hành động, Nguyễn Hoàng Yến đã nỗ lực vươn lên từ cuộc sống ở khu ổ chuột Sài Gòn để trở thành sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ RMIT Việt Nam và Học bổng Chevening của Chính phủ Anh.
Cựu sinh viên ngành Thiết kế Truyền thông đa phương tiện, sinh viên nhận học bổng Chắp cánh ước mơ Nguyễn Hoàng Yến được trao Học bổng Chevening năm 2022 để học Thạc sĩ về Truyền thông, Chiến lược và Thay đổi xã hội tại Đại học Westminster, Vương quốc Anh. (Ảnh: NVCC).
Từ một trái tim tràn ngập lòng biết ơn
Đối với cô gái trẻ là cựu sinh ngành Thiết kế truyền thông đa phương tiện của RMIT, việc mơ về tương lai tươi sáng hơn lúc còn nhỏ là điều hết sức xa vời, khi cô phải sống một mình trên một chiếc ghe tồi tàn dọc theo một con kênh ở Quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) sau khi ba mẹ rồi bà ngoại của cô đều lần lượt qua đời.
Song nghịch cảnh không khiến cô ngưng mơ về những điều tốt đẹp hơn.
Nguyễn Hoàng Yến bắt đầu mơ về tương lai và học về thứ được gọi là “thiết kế” sau khi nhận được lời khen từ nhà làm phim tài liệu và hoạt động xã hội Leslie Wiener.
“Em là người giỏi thiết kế” là những gì cô Wiener đã nói với Yến sau khi quá đỗi ngạc nhiên với cách mà cô bé 10 tuổi tạo ra căn nhà đồ chơi từ giấy vụn và bịch ni lông bỏ đi.
Tinh thần kiên cường và ham học hỏi của cô gái trẻ đã tạo ấn tượng mạnh với không chỉ với các thầy cô tình nguyện viên và các mạnh thường quân, mà còn với ban xét tuyển học bổng của RMIT Việt Nam.
Sau khi được trao một trong ba suất học bổng Chắp cánh ước mơ đầu tiên của Đại học RMIT Việt Nam năm 2014, Yến đã tận dụng mọi cơ hội có được và cho thấy một sự chuyển mình đáng kinh ngạc.
Yến (hàng sau, thứ ba từ trái sang) và đội Frisbee của cô ở Vương quốc Anh. (Ảnh: NVCC).
Cô gái trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường cũng như những hoạt động xã hội khác trong thời gian theo học tại trường, và là thành viên năng nổ của CLB Frisbee RMIT Việt Nam.
Năm 2016, Yến nộp đơn tham gia chương trình trao đổi sinh viên đến Tây Ban Nha để học hỏi về các vấn đề phát triển xã hội, điều sau này hỗ trợ cô rất nhiều trong ước vọng tạo ra những thiết kế ý nghĩa và có giá trị cho cộng đồng.
“Nền giáo dục và mạng lưới giao lưu kết nối có được từ RMIT thật sự giúp tôi chuyển mình hoàn toàn, đồng thời đem đến cho tôi nền tảng vững chắc để thăng tiến trong sự nghiệp và đến được ngày hôm nay với tư cách là một học giả của Học bổng Chevening”, Yến chia sẻ.
Yến luôn vô cùng biết ơn những người tốt mà cô đã gặp trong đời.
“Mạng lưới những người luôn quan tâm, hỗ trợ và truyền cảm hứng ấy, từ các thầy cô từ nhóm thiện nguyện Smile Group đến cán bộ giảng viên Đại học RMIT Việt Nam và gần đây nhất là Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), đã đưa tôi ra khỏi nghèo khó đến với cuộc đời phát triển rực rỡ và đầy tiềm năng phía trước”, Yến chia sẻ.
“Họ đã truyền cảm hứng để tôi dùng kiến thức và kỹ năng học được để đóng góp cho xã hội”.
Đến khát khao đền đáp cho cộng đồng
“Giá trị của tôi trong ngành thiết kế là gì?” là câu hỏi mà Yến trăn trở suốt nhiều năm liền.
Câu trả lời bắt đầu dần rõ nét khi cô gái trẻ làm việc tại OUCRU với vai trò Điều phối viên Truyền thông. Tại đây, Yến có cơ hội phát triển và dẫn dắt các dự án thu hút sự tham gia của công chúng, qua đó được tự trải nghiệm công việc của mình có thể tạo tác động và đem đến lợi ích cho cộng đồng như thế nào.
“Ba mẹ tôi mất vì một trong những vấn nạn xã hội nên mảng y tế luôn khiến tôi hết sức quan tâm”, Yến nói.
“Suốt thời gian đại dịch, tôi dẫn đầu việc thực hiện hai chiến dịch xã hội lớn, gồm Nhật ký số COVID-19 và #TôiĐãTiêm. Qua đó, tôi nhận ra lỗ hổng trong năng lực truyền thông đa phương tiện mà tôi có thể góp phần giảm bớt”.
Với tư cách trưởng nhóm trong sáng kiến Nhật ký số, Yến đã sản xuất ra được 40 đoạn phim tài liệu đem lại tiếng nói cho các cộng đồng bên lề xã hội, giúp thu hút thêm hỗ trợ về tài chính và y tế cho họ.
Trong khi đó, qua chiến dịch mạng xã hội #TôiĐãTiêm, Yến cùng với nhóm của mình đã tiếp cận được với hơn 80.000 người trẻ và sản xuất ra những đoạn video và podcast ngắn giàu thông tin về COVID-19 để kết nối với đối tượng độc giả lớn tuổi hơn. Những thành quả này đều giúp tỉ lệ tiêm ngừa tăng lên đáng kể.
Yến cho biết nhờ tham gia vào các chiến dịch tạo tác động này mà cô xác định được rõ ràng những giá trị cốt lõi trong thiết kế mà cô muốn theo đuổi – đó là “thiết kế vì lợi ích xã hội, không phải vì sản phẩm nào”.
“Tôi muốn trở thành người kết nối giữa các chuyên gia y tế và người dân trong cộng đồng. Cụ thể là trở thành chuyên gia về truyền thông đa phương tiện, người có thể nhận những thông tin mang tính học thuật, đôi khi khô khan, từ các chuyên gia y tế và nghiên cứu viên, chuyển đổi chúng thành những nội dung mà số đông có thể hiểu và nhớ được, để cuối cùng có thể tạo ảnh hưởng để người dân thay đổi theo cách có lợi cho cộng đồng”.
Yến (bên phải) và Nguyễn Thành Vinh, cũng là cựu sinh viên RMIT và học giả của Học bổng Chevening năm 2022. (Ảnh: NVCC).
Hiện đang bận rộn với những tháng đầu tiên theo học Thạc sĩ về Truyền thông, Chiến lược và Thay đổi xã hội tại Đại học Westminster theo chương trình Học bổng Chevening 2022, Yến tin rằng với nền giáo dục đẳng cấp thế giới từ Vương quốc Anh và việc được tiếp cận với lãnh đạo và những người đổi mới sáng tạo trên thế giới từ cộng đồng Chevening, cô sẽ có kiến thức và trải nghiệm quý giá giúp cô đạt mục tiêu lớn là tạo ảnh hưởng lâu dài cho lĩnh vực y tế công ở Việt Nam.
Tony Nguyễn