Thứ Hai, 16/09/2024, 0:40

Công ty tài chính: Tìm thế xoay chuyển

Xem thêm

Khó khăn chồng khó khăn nên tìm mọi hướng để tồn tại và thích ứng trước sự thay đổi của kinh tế – xã hội là nhận định chung của lãnh đạo nhiều công ty tài chính.

Công ty tài chính: Tìm thế xoay chuyển

Các công ty tài chính mong muốn lãi suất huy động sớm bình ổn trở lại.

Chi phí đầu vào tăng cao

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều công ty tài chính cho biết, khó khăn lớn nhất trong năm 2022 là huy động vốn. Lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng tăng cao, trong khi đó, công ty tài chính chỉ được phép huy động từ tiền gửi của doanh nghiệp nên chi phí vốn ngày càng có xu hướng tăng, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần của công ty.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho hay, có ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm 11,5%/năm, không ít công ty tài chính cũng phải huy động vốn của các doanh nghiệp với lãi suất 11,5%/năm, nhưng vẫn rất khó huy động.

Riêng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đang được Ngân hàng Nhà nước quy định mức trần là 6%/năm.

“Trần lãi suất huy động khiến các tổ chức tín dụng đều huy động với mức lãi suất giống nhau, các công ty tài chính không thể huy động được vốn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp gửi tiền ở ngân hàng để hưởng thêm các dịch vụ tài chính đi kèm, chứ không gửi tiền tại các công ty tài chính vốn chỉ có hình thức huy động”, ông Phúc nói.

Ông Vũ Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Bưu điện chia sẻ, Công ty huy động từ các tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp để cho vay, chi phí vốn đầu vào tăng khoảng 4%/năm, trong khi cam kết với Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất cho vay thấp nhất thị trường. Trong tình hình kinh tế hiện tại khiến nợ xấu tăng mà Công ty đang cố gắng không tăng lãi suất cho vay, giữ bình ổn lãi suất để hỗ trợ khách hàng là điều rất khó khăn.

“Tôi mong bình ổn lãi suất huy động để các công ty tài chính bình ổn được giá đầu vào và tìm giải pháp hạ lãi suất cho những người lao động yếu thế”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo đại diện Công ty tài chính Lotte, công ty mới được thành lập vài năm nên việc huy động trong nước gặp rất nhiều khó khăn và chủ yếu phụ thuộc vào nguồn huy động ở nước ngoài.

Việc này có rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2022, nên chi phí đầu vào huy động khá cao. Sau khi sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro để chuyển đổi sang tiền đồng, lãi suất huy động so với trong nước vẫn cao.

“Tôi rất mong bình ổn lãi suất huy động trong nước để Công ty có cơ hội mở rộng huy động vốn trong nước”, đại diện Lotte nói.

Mạo danh thu hồi nợ

Đáng lưu ý, trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, lãnh đạo FE Credit cho biết, nhiều tổ chức mạo danh công ty tài chính đi thu hồi nợ. Cụ thể, nhiều ứng dụng (app) cho vay trá hình, mạo danh công ty tài chính thực hiện đòi nợ kiểu “khủng bố”, điều này dẫn đến các công ty tài chính bị hiểu nhầm, đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh.

Bên cạnh đó, có những công ty tài chính không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động đã lợi dụng tên công ty tài chính chính thống mở rộng mạng lưới vào các khu công nghiệp, các địa bàn khó khăn để tiếp cận người dân cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức, với thủ đoạn tinh vi.

Ví dụ, cho vay nhanh, cho vay tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào, lãi suất cho vay hấp dẫn nhưng “cài cắm” các chi phí khác rất cao…

“Không những thế, khi đòi nợ, họ dùng mọi hành vi, thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và người dân không hiểu được đâu là công ty tài chính hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan, dẫn đến dễ mắc phải tệ nạn tín dụng đen”, đại diện FE Credit nhận xét.

Ngoài ra, theo lãnh đạo FE Credit, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, lợi dụng sự mập mờ giữa 2 pháp nhân đều là công ty tài chính để lôi kéo, rủ rê cùng nhau cố tình không trả nợ cho các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, rồi vu khống nhân viên có hành vi thu nợ manh động kiểu xã hội đen, khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn có thể kéo dài

Tổng giám đốc một công ty tài chính nhận định: “Cung tiền đã ít mà tiền lại khó lưu thông do các dự án đầu tư công ì ạch. Mọi việc gần như trông chờ vào “con bài” đầu tư công để tìm lối thoát. Tuy nhiên, hướng đi này hiện vướng đủ thứ nên khó khăn có thể còn kéo dài”.

Tìm mọi hướng để tồn tại và thích ứng trước sự thay đổi của kinh tế – xã hội là nhận định chung của lãnh đạo nhiều công ty tài chính.

Trong đó, giải pháp đối với chi phí đầu vào của FE Credit là: “Nhanh chóng tìm kiếm các nguồn vốn huy động dài hạn với lãi suất ưu đãi nhờ đã đáp ứng các tiêu chuẩn ESG; thu hút thêm nguồn tài trợ từ cổ đông chiến lược, đặc biệt khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC; cắt giảm chi phí hoạt động hiệu quả hơn bằng việc sử dụng công nghệ, số hóa trong hoạt động kinh doanh”.

Liên quan đến số hóa, thực tế cho thấy, chưa bao giờ làn sóng chuyển đổi số tại các tổ chức tín dụng lại mạnh mẽ như hiện nay, dù mức độ và sự lựa chọn đầu tư ở mỗi tổ chức có sự khác biệt.

Về vấn đề này, ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc Viet Credit khuyến nghị, mỗi tổ chức tín dụng phải tự trả lời các câu hỏi sau trước khi bắt tay vào chuyển đổi số. Một là, tổ chức tín dụng đang nhắm đến những phân khúc người tiêu dùng nào? Hai là, các khả năng cốt lõi của tổ chức tín dụng là gì và làm thế nào một chiến lược chuyển đổi số có thể củng cố, nâng tầm hệ thống?

“Cuối cùng, khi các tổ chức tín dụng đã xem xét các tùy chọn, hãy cân nhắc sự đánh đổi và xung đột tiềm ẩn liên quan đến từng mô hình, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố như chiến lược và văn hóa tổ chức, công nghệ hiện có, áp lực chi phí và khẩu vị rủi ro”, ông Tâm nói.

Đối với hoạt động quản trị rủi ro, thẩm định tín dụng, đại diện FE Credit cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng; chủ động kiểm soát chất lượng tín dụng, chăm sóc khách hàng cũng như đánh giá khả năng trả nợ, phân loại khách hàng để có kế hoạch phù hợp, hạn chế phát sinh nợ xấu và chủ động xử lý thu hồi; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, phân loại nhóm nợ theo đúng tình trạng của khoản nợ.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng vận hành thông qua qua cải tiến tính năng hệ thống, phát triển ứng dụng cho đội ngũ xử lý tín dụng; nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả làm việc như Auto Dialer, AI, Voice Blaster.

“Đối với vấn đề an ninh mạng, thường xuyên rà soát, nâng cao cơ sở hạ tầng mạng, triển khai các giải pháp bảo mật mạng, giám sát truy cập, đào tạo nâng cao nhận thức cho cả khách hàng lẫn nhân viên, chuẩn hóa quy trình quản lý sự cố nhằm bảo vệ mạng và dữ liệu của khách hàng tránh khỏi các mục tiêu xâm phạm, lạm dụng hoặc trộm cắp của tội phạm công nghệ cao”, đại diện FE Credit nói.

Về vấn đề xử lý nợ, lãnh đạo các công ty tài chính cho biết, sẽ ưu tiên các giải pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ phù hợp với khả năng; triển khai các chương trình miễn, giảm lãi theo quy định để chia sẻ khó khăn với những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chủ động xây dựng hệ thống của mình lành mạnh bằng những quy chế nghiêm ngặt, trong đó đưa ra bộ quy tắc ứng xử, thái độ đối với khách hàng để nhân viên áp dụng một cách chuẩn mực.

Một số văn bản pháp luật quy định về huy động vốn của công ty tài chính:

– Luật Các tổ chức tín dụng.

– Thông tư 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.

– Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

– Thông tư 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn.

– Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo Nhuệ Mẫn/vietnamfinance.vn/ĐTCK

 

 

 

Bài viết mới